Trong 100 bài báo chí phỏng vấn người nước ngoài đánh giá thế nào về người Việt Nam, thì phải có đến 99 bài có câu trả lời là: người Việt Nam thân thiện, dễ mến. Dân ta khấp khởi vui mừng vì được thế giới đánh giá cao về tính cách dân tộc “friendly”, “nice”. Nhưng biết đâu trong phần lớn các cuốn cẩm nang du lịch, hướng dẫn làm ăn (như ở VN chúng ta vẫn được đọc là làm thế nào để làm ăn với người Nhật, hay làm việc với người Trung Quốc thế nào…), các nhà nghiên cứu đã khuyên những người có ý định đến hoặc sinh sống ở Việt Nam rằng khi gặp người Việt Nam hay đánh giá về họ, người Việt Nam rất thích được khen là thân thiện, cởi mở, dễ mến, nên khen ngợi họ như vậy. Và 99% người nước ngoài sẽ tỏ ra lịch sự mà trả lời đúng đáp án này, bất kỳ khi nào được phỏng vấn. Cũng giống như lời khuyên khi làm việc với người Trung Quốc, nhất định phải đưa card visit và bắt tay cấp trên trước.
Nhưng là một người Việt Nam tận xương tủy, tôi nghĩ chúng ta thật thô lỗ, không phải trong giao tiếp với các bạn nước ngoài, mà trong lối sống hàng ngày.
Ở một phòng làm việc, cơ quan nhà nước…
Ông chồng, đã là Trưởng phòng kế hoạch của một cơ quan đầu ngành thuộc trung ương, đang thì thầm với đồng nghiệp, chốc chốc lại nhấn giọng, văng ra vài câu “mẹ”. “Mẹ, nó chê anh già chứ, nó cứ cậy nó trẻ, nó lấy anh già, anh phải phục vụ nó.” “Mẹ, chồng pha sữa làm đổ một tí sữa của con ra bàn thì đã làm sao, sữa là vàng à, mà nó chửi anh không ra cái gì.” “Mẹ, anh là đàn ông, anh thấy anh sai cái gì thì anh xin lỗi rồi, anh xin lỗi nó rồi, bảo anh nóng thì anh bạt tai em, nhưng em đừng đi, em mà bước qua cái cửa kia thì đừng quay lại nữa.” “Mẹ, nó vênh váo với anh, bố láo, anh cho đi luôn!”.
Không phải cái ông cứ nói một câu thì lại “mẹ” một câu kia vì thế mà bảo rằng ổng thô lỗ, vì tưởng Tây thì không biết chửi bậy chắc, một chuyên gia thuộc hàng VIP của WB mà tôi từng làm việc và quen biết nhiều năm, lúc điên lên cũng fuck, fuck liên tục. Nhưng cái thô bỉ ở câu chuyện này là quan hệ vợ chồng đổ vỡ vì một bà vợ cư xử thô lỗ với chồng vì một chuyện cỏn con.
Ở phòng khám bệnh Tai mũi họng, bệnh viện Bạch Mai
Sáng mùa hè nóng, bệnh nhân đông đúc, hành lang chật cứng, ghế có mươi chiếc nhưng người thì dễ đến mấy chục. Sau khi nộp tiền và được phát số, bệnh nhân không được ai hướng dẫn, đứng lơ ngơ đầy trước cửa phòng. Không có một chiếc ghế trống, người không có ghế thì đứng lố nhố, ngơ ngác, hỏi nhau phải xếp sổ ở đâu hay cứ đứng đấy chờ đến lượt, hỏi nhau đến số mấy rồi.
Thỉnh thoảng cửa phòng mở, bệnh nhân thò cổ vào hỏi: “chị ơi, có xếp sổ vào…” Chưa kịp nói hết câu, bác sỹ thò ra mắng té tát: “Cứ lui ra nhé, không có giơ giơ, xếp xếp cái gì ở đây cả.” Bệnh nhân tiu ngỉu quay ra, lại hỏi nhau: số mấy rồi? Không có câu trả lời. Cửa phòng lại mở. Bác sỹ mặc áo trắng đi ra, bệnh nhân mừng thầm. Bác sỹ: “Sao có cái cửa phòng mà cứ đứng đầy ra thế này, thế này thì ai mà đi nổi”. Bệnh nhân: không ai có câu trả lời và không giải thích được cho chính mình, vì cũng chẳng còn biết đứng vào chỗ nào. Y tá chạy ra, nhìn một bệnh nhân nội trú, đang mặc quần áo bệnh nhân: “Sao anh cứ đứng trước cửa phòng thế, đã bảo là tìm ghế mà ngồi rồi cơ mà, sao cứ đi đi lại lại vướng hết cả cửa thế này?” Không có một cái ghế nào trống, bệnh nhân lách nhau tìm chỗ đứng, y tá vẫn mắng xoe xóe.
Cửa phòng lại mở, bác sỹ thò đầu ra gọi tên một bệnh nhân vào đứng ngay cửa, xịt cho 2 phát thuốc vào mũi, rồi dặn: “Đứng ra ngoài kia chờ gọi vào nội soi nhé!” Một bệnh nhân mới đến, chưa được nếm mùi quát tháo, điếc không sợ súng, chạy lại hỏi: “Chị ơi đến số mấy rồi?” Bác sỹ: “Chúng tôi đang nội soi nhé, từ sáng tới giờ chưa khám ai nhé!” Bệnh nhân đến từ một tiếng trước, nhìn số của mình: 29, quả quyết đứng dậy đi về. Đi qua bàn tiếp đón trả lại quyển sổ và số, không buồn lấy lại tiền. Y tá nhìn với theo: “Ơ, thế không khám à?”
Trên Facebook
User 1 vừa update một post. User 2 có trong friendlist của user 1 (không phải người quen, mà là bạn của bạn, user 1 confirm friend request vì lịch sự) post một comment, rất trống không, cụt lủn. User 1 nghĩ: nếu không biết là mình request để trở thành bạn của ai thì request làm gì? Một khi đã request và được chấp nhận thì cũng nên biết họ là ai, trẻ hay già hơn mình để xưng hô cho phải phép tắc của người Việt, nếu không biết thì cũng gọi bạn bạn mình mình cho lịch sự. Nếu sinh ra ở Tây hay chỉ biết nói tiếng Anh, thì không ai phàn nàn con gọi bố là: “John ơi lại đây Jess bảo”. Nhưng đã là người Việt thì nên biết thưa gửi, à, ơi, nhỉ, nhé, ạ, dạ, vâng…, gọi anh, chào chị… Nếu không muốn bị ignore, delete, block thì cũng nên chọn cách giao tiếp phù hợp, nhất là khi nhờ người khác giúp đỡ thì càng phải tỏ ra lịch sự và về sau thì cũng nên tỏ ra helpful (có ích) khi người khác cần giúp đỡ, hay chỉ đơn giản là biết cách trò chuyện, ủng hộ các giao tiếp của bạn bè bằng cách bình luận (cho dù là nhạt nhẽo) để bạn bè biết là có người đang lắng nghe…
Một ngày bị bủa vây bởi các giao tiếp này, không thể không nghĩ người Việt Nam mình thô lỗ. Tôi cá là bất kỳ ai đọc đến đây, đều cũng đã chứng kiến một trăm, một nghìn lần những cảnh này. Lạ thay, mình đã sống, giao tiếp như thế có khi hàng trăm, hàng nghìn năm nay rồi, bạn tin không? Vợ vẫn chửi chồng không ra gì, bác sỹ chửi bệnh nhân, người với người xã giao cục cằn, thô lỗ…
Hôm qua xem phim Hàn Quốc “Bốn nàng công chúa nổi tiếng”, đoạn em Mi Chin làm y tá, cúi gập người chào bệnh nhân, đứng thẳng người lúc tờ mờ sáng dù buồn ngủ nẫu người và đang ốm nghén, vẫn một dạ hai vâng… cứ làm mình nghĩ mãi.
Người Việt Nam ạ, chúng ta có phải nhìn lại mình không?
Khi mới đến Việt Nam bạn Ben Stocking – trưởng đại diện của AP tại Việt Nam bây giờ, khi đó là phóng viên của San Jose Mercury, cứ thắc mắc với mình: “Lúc anh dừng ở đèn đỏ trên phố, anh thấy rất lạ là người Việt Nam hình như rất unhappy, vì mặt ai cũng thế này (bạn Ben làm bộ mặt rất hầm hố, gườm gườm, vừa cau vừa buồn như chuẩn bị đánh ai hoặc bị ai đánh).” Lúc đó chẳng biết trả lời thế nào, chỉ bảo có lẽ là ngoài đường bụi quá.
Nhưng giờ thì đã có câu trả lời. Vì những người dừng ở đèn đỏ đó vừa bị vợ chửi, vừa bị y tá chửi, vừa bực mình vì một đứa trời đánh trên mạng tự dưng nói năng thô lỗ. Mà cũng có thể là bị cả ba thứ đó trong một ngày.