Bị nói xấu thì chẳng ai thích rồi. Nhưng khi người đi nói xấu mình là bố mẹ thì teen mình biết xử trí ra sao nhỉ?
Bố mẹ gieo tiếng xấu cho teen
Bố mẹ đôi khi vô tình hay cố ý, đã ngang nhiên nói xấu teen nhà mình, mà chẳng thèm để ý teen nghĩ gì, cảm thấy gì.
Mỗi lần bạn bè đến nhà chơi, thôi thì mẹ mình mang cả đống kỉ niệm mắc cỡ hồi còn bé của mình ra kể lể. Nào là lớp 4 còn tè dầm, chuyên gia thích ăn… bốc, chuyện mình và ông anh đuổi đánh nhau khắp xóm… Lũ bạn mình nghe xong, đứa nào đứa nấy cười rũ rượi. Mẹ đi rồi, chúng nó bắt đầu quay sang chọc mình đến khổ sở.”- Nam, THPT Hoàng Hoa Thám kể. Bệnh nói xấu con của mẹ Nam không dừng ở đó. Cái thói quen đi ngủ không tắt điện, dậy muộn và nhiều tật xấu khác của Nam được mẹ mang đi kể cho hết thảy bạn bè, bà con thân thiết. Nhiều khi còn kể cho hàng xóm nữa. Khi bị mọi người châm chọc hoặc hỏi bong hỏi gió về những chuyện đó Nam mới ngớ người. Giận, buồn, xấu hổ nhưng nói gì thì mẹ Nam cũng bỏ ngoài tai…
Buồn hơn Nam, Huyền Anh, còn bị mẹ nói xấu cô nàng với… người yêu. Lần nào người yêu Huyền Anh đến nhà chơi mà để mẹ ra tiếp chuyện một lát thì cô bạn cứ phải đề cao cảnh giác. Chỉ cần Huyền Anh lên lầu trang điểm, thay đồ hay vắng mặt chút là mẹ lại lôi vài tật xấu của Huyền Anh ra kể. Nào là cô nàng khi ngủ hay gác, hay nói mớ như thế nào. Nào là hồi cấp 3 lười học và đoảng ra sao… Người yêu Huyền Anh chỉ biết cười trừ. “Anh ấy cười bảo nghe mẹ kể nhiều mới thấy em đáng yêu ghê. Nhưng thực lòng mình “nghi” cái từ đáng yêu và nụ cười hấp háy ấy lắm. Có gì hay ho trong những tật xấu ấy cơ chứ! Mình yêu mẹ, nhưng riêng vụ đi nói xấu con gái này, quả thực nhiều khi mình không chịu nổi. Đành dung hạ sách, hạn chế cho anh vào nhà…”. Cô bạn xinh xắn có vẻ buồn khi chia sẻ những chuyện này.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Nói xấu con kiểu như mẹ Huyền Anh và Nam còn đỡ chút chút (hix). Có những bậc phụ huynh nói xấu con nhiều vô số kể. Kiểu như “vô tích sự, ở nhà chẳng làm được gì giúp cho bố mẹ”, “lười học mà tiêu tiền như nước, chỉ giỏi phá hoại”, “ngủ sưng mắt cả ngày nên học hành chẳng biết chữ gì”… đó là những lời nói có gai, đâm vào tim teen mình đau nhói. Bố mẹ thường nói vậy khi muốn “răn” teen cho chăm chỉ hơn, ngoan ngoan hơn. Kì thực, nào bố mẹ có hiểu những câu chê bai, nói xấu ấy chỉ làm cho teen tức giận, chán chường.
“Mình đâu phải thuộc loại đầu đất đâu. Vậy mà chỉ một kì tụt hạng trong lớp, bố mẹ mình sẵn sàng tuôn ra những lời nói như vậy. Mình không muốn kể, càng không muốn trích dẫn, vì chỉ cần nghĩ lại thôi mình cũng đã tủi thân và thất vọng lắm rồi”.- Nguyên- THPT Yên Hoà tâm sự.
Dường như nhiều phụ huynh cho rằng mình phát biểu về con như thế nào đều được. Khen chê tùy tâm trạng, tùy tính cách, có nói quá một chút thì cũng là con mình, chẳng có gì bận tâm. Có phụ huynh còn coi nói xấu là một cách dạy còn, để con rút kinh nghiệm…
Và nỗi khổ của teen
Nào ai sung sướng gì khi bị nói xấu. Teen dễ tổn thương, những lời ấy còn gây nên những tác động phản cảm không ngờ. Trước hết, việc bị bố mẹ nói xấu (dù những tính xấu đó là thật hay bị nói quá một đôi chút) thì cũng làm tình cảm dành cho gia đình của teen bị lung liêng. Teen dễ tự ti, buồn bã, giận thậm chí ghét bố mẹ.
“Mình không thể chịu được cách bố mẹ cười xoà vô tư rồi “vùi dập” mình nào là còn nhỏ, ham ăn ham chơi, vô tích sự” trước mặt những người khác. Bất kể mình ngoan hay hư, giỏi hay dốt, có ai hỏi thăm mình là bố mẹ lại nói “nó chưa biết gì đâu”, câu chuyện thân tình hơn chút là liệt kê cả đống lỗi lầm buồn cười hồi nhỏ của mình để làm “chứng cứ”
“Còn với người yêu, mình rất sợ khi anh muốn đến nhà chơi. Mình sợ những câu chuyện không hồi kết của mẹ sẽ làm anh thất vọng, hoặc cười nhạo mình. Những bí mật xấu xí ấy, giá mà mẹ cất kĩ đi chứ đừng mang ra kể lể”- Huyền Trang rầu rầu nói.
Phản ứng trước việc bị bố mẹ nói xấu, teen cũng có nhiều cách khác nhau. Có bạn ngậm bồ hòn làm ngọt, cố tảng lờ, dù những hậu quả ít hay nhiều cũng rõ rành rành. Có bạn bức xúc, thế là to chuyện. Có bạn thì ấm ức quy kết tội lỗi của bố mẹ nhưng chẳng bao giờ nói ra. Vậy là bạn ấy buồn vì bị nói xấu, và về sau vẫn thế.
Vì thế, ngay khi nắm được những kiểu nói xấu của bố mẹ, teen hãy mạnh dạn tâm sự, thẳng thắn chia sẻ những điều mà các bạn cảm thấy các bạn nhé!