Bạn từng nhìn nhiều teens con nhà khá giả với ánh mắt ngưỡng mộ, và đôi lúc thầm ghen tỵ: “Nhà giàu sao mà sướng thế nhỉ?”. Thế nhưng có thật những cậu ấm cô chiêu ngày ngày được cưng chiều đang cảm thấy sung sướng vì cái mác "con nhà giàu”?
Bỏ qua những trường hợp thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, do người lớn ham công tiếc việc mà ít quan tâm đến con cái, hay những teen được nuông chiều quá mà đâm ra hư hỏng, phung phí, ăn chơi trác táng…, vẫn còn những khía cạnh rất khác về hình ảnh một teen nhà giàu, về những hiểu lầm mà người ngoài thường hay “vơ đũa cả nắm”.
Không biết rửa bát là hư hỏng?
Bảo Trâm là con gái duy nhất của một đại gia ngành thép. Mẹ và dì hết mực cưng chiều, việc nhà không bao giờ phải mó tay. Tưởng vậy là sướng, đến lúc nàng đi xa trọ học thì vấn đề mới nảy sinh.
Bạn cùng phòng với Trâm than thở: “Tui biết là nhỏ đó quen ăn sung mặc sướng, nên đã cố tình chia những việc rất nhẹ nhàng như rửa chén, quét nhà, phơi quần áo cho nhỏ, còn mình làm những việc nặng hơn. Nhưng có chịu nổi không khi quét nhà thì không sạch, rửa chén thì còn đầy vết dầu mỡ, giao việc như vậy thì không được, mà chẳng lẽ tui ôm hết việc vào người? Đúng là con nhà giàu, được nuông chiếu đâm ra hư hỏng!”
Còn Trâm, khi biết được nhận xét của bạn thì mếu máo: “Ở nhà, người giúp việc vẫn làm việc nhà, mẹ Trâm không để cho Trâm phải đụng tay vào bất cứ thứ gì. Ngay cả đến ăn xong chỉ có mỗi một cái chén, Trâm muốn tự rửa nhưng mẹ nhất quyết: “Để đó cho mẹ, con không được làm!”, nên thật sự Trâm vụng mấy chuyện nội trợ lắm. Áy náy với bạn khi có vài việc đơn giản vậy mà Trâm làm không được, nhưng thay vì để Trâm cố gắng, từ từ tập cho quen, bạn lại quăng cho Trâm cái mác con nhà giàu hư hỏng, còn đi nói xấu với mọi người nữa. Chẳng lẽ không biết rửa chén là hư hỏng sao?”
Nhà giàu mà không hào phóng là keo kiệt??
Gia đình Thuý Vy rất khá giả, có một biệt thự lớn và nổi tiếng ở thành phố. Vy rất hiền và khá là hoà đồng với các bạn trong lớp, những trận oanh tạc gỏi bò khô, chè kem.. ở cantin và các quán bình dân với giá dưới 10k/món, chỉ cần ới 1 tiếng là Vy đi cùng liền. Nhưng tuyệt nhiên, bạn bè rủ đi ăn những món hơi đắt một tí là chắc chắn nhận được cái lắc đầu từ cô nhỏ.
Thế nên, bạn bè rỉ tai nhau rằng: “Nhỏ đó nhà giàu sụ, mà keo thấy mồ. Rủ đi ăn mấy thứ rẻ rẻ mới đi, chứ còn mắc tí thôi là thế nào cũng ca bài ca hết tiền. Mua một cái áo mấy trăm ngàn thì được, uống ly nước mấy chục ngàn thì tiếc của! Giàu mà keo!”
Shopping cũng dễ bị "mang tiếng" lắm!
(Hình minh hoạ)
Còn Vy thì phân trần một cách tội nghiệp: “Sao mọi người cứ nhìn vô gia cảnh mà đánh giá sai lệch về tui vậy! Nhà Vy giàu, chứ Vy có giàu đâu! Bố mẹ không cho xài phung phí, sách vở quần áo cái gì cũng mua cho nhưng mỗi tuần chỉ phát cho 100k để chi tiêu toàn bộ mọi thứ cần thiết thôi, kể cả tiền nạp card điện thoại luôn. Vy lại mê truyện tranh, thế là phải bỏ tiền ra mua truyện hàng tuần. Tiền nước uống, tiền ăn vặt… tất tần tật chỉ được trong khoảng 100k/tuần, lỡ mà xài phung phí thì chỉ có… nhịn đói. Sao các bạn cứ nghĩ giàu là phải hoành tráng vậy, buồn lắm…”
Con nhà giàu chi tiêu rộng rãi là dạng thích chơi nổi??
Trái với Vy, Quang Thắng cũng thuộc dạng “nhà có tiền”, nhưng bị bạn bè nói kháy sau lưng lại không phải vì “có tiền không dám xài”…
“Cả lớp rủ nhau đi ăn chung một bữa trước khi nghỉ hè, bàn tới bàn lui hoài vì vấn đề là phải tìm quán vừa rẻ mà phải vừa ngon. Địa điểm được vote nhiều nhất thì lại xa quá, có nhiều bạn không đi được, mà gần trường thì toàn hàng quán dở ẹc. “Nó” (ý nói Thắng ) lên lớp trễ, nãy giờ không bàn gì chung thì thôi, còn lên giọng: “Tui trả tiền taxi cho, tiền ăn tui trả 1 nửa. Mấy người chia nhau tiền đi về với nửa tiền ăn đi. Dzậy đi! Khỏi bàn cãi tới lui chi cho mệt!”. Nghe thấy ghét, nhà giàu hay chơi nổi dzậy đó!” - bạn cùng lớp với Thắng kể lại.
Nhưng sự thực thì Thắng nhà ta từ đầu năm đến giờ rất ít tham gia hoạt động của lớp, nên cuối năm cũng muốn đi chung lắm. Thấy mấy bạn bàn tới bàn lui hoài, Thắng nghĩ mình bỏ hơn các bạn chút ít, mà cả lớp đi chơi vui thì cũng không thiệt gì. Anh bạn gãi đầu gãi tai thú nhận: “Chắc có lẽ vì Thắng nói không khéo làm các bạn hiểu lầm, tưởng Thắng lên giọng hách dịch. Nếu vậy thì Thắng sẽ nhận lỗi, nhưng mà nói Thắng muốn chơi nổi thì oan quá. Chỉ là vì gia cảnh mình khá hơn, thì mình bỏ ra nhiều hơn một chút, để cả các bạn, cả bản thân đều được vui vẻ, vậy có sai không?”.
Con nhà giàu là đối tượng “phân biệt chủng tộc”?
Ở cái thị trấn nho nhỏ của Thu Duyên, hầu hết đều là các gia đình trung lưu trở xuống, chỉ mỗi nhà Duyên mới chuyển đến là nổi bật, vì nhà to nhất, đẹp nhất, và giàu nhất. Bước vào ngôi trường mới, thầy cô, bạn bè ai mới, Duyên rất muốn nhanh chóng hoà nhập với các bạn, với trường lớp. Nhưng những nụ cười, những lời chào hỏi làm quen, những cái kẹo mà Duyên mang lên lớp làm quà kết bạn không đủ để Duyên có thể “make friend” với mọi người.
Lý do ở đây là: “Chỉ đơn giản bọn tớ không thích, vậy thôi. Cả một đám nhà lao động chơi với nhau quen rồi, người giàu khó mà hoà chung vào lắm. Những trò chơi ở quê, chắc gì bạn ấy đã chịu chơi, có khi còn cười sau lưng là chúng tớ nhà quê nữa í! Bọn tớ cũng không thích mang tiếng là "thấy người sang bắt quàng làm họ”, nên cũng không thích thân mật quá với con nhà giàu đâu!”.
Duyên chỉ còn nước tủi phát khóc. Chỉ vì là con nhà giàu nằm giữa một cái thị trấn nghèo, Duyên đã bị cô lập, không ai thèm chơi.
Giàu nghèo không phải là cái tội của teen, chỉ vì có hoàn cảnh tốt hơn người khác mà bị tẩy chay và nói xấu. Thật là oan cho teen nhà giàu quá. Những trường hợp nói trên đều bị nhìn bằng ánh mắt phiến diện, bởi vì giá trị một con người nằm ở nhân cách, chứ không dựa trên thu nhập hàng tháng của gia đình họ, phải không teen?