Vì cả tin, ngây thơ nhiều học sinh sinh viên, và những người lao động mới từ quê lên Hà Nội đã trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo, cướp giật ngay giữa chốn đông người.
Chào hàng với dao dính máu
N.T.H, sinh viên năm thứ nhất ĐH Khoa học XH & Nhân văn kể lại câu chuyện mà cho đến bây giờ, dù đã gần hết một năm làm quen với đất Thủ đô nhưng mỗi lần về quê hay có việc ra bến xe H. vẫn chưa dám đi một mình.
Đó là lần đầu tiên sau 3 tháng lên nhập học, vừa về quê lên tới bến xe, đang lơ ngơ đứng đợi xe buýt, H. giật nảy mình khi có người đập nhẹ vào vai, quay lại, thì ra là một thanh niên mời mua chiếc máy ảnh “xịn”, “còn mới toanh”, “nhưng đang cần tiền nên bán rẻ thôi”.
Sau một hồi rỉ tai không thành công, người thanh niên hất hàm ra hiệu H. nhìn theo ánh mắt của hắn. Lúc này H. mới phát hiện phía bên dưới tay người thanh niên đó đang cầm là một con dao bấm đã bật sẵn. Vẻ mặt gã thanh niên cũng biến đổi theo, vừa lúc nãy khẩn khoản mời mọc giờ trở nên sắc lạnh càng khiến H. hoảng hồn. May cho H. là đúng lúc đó, xe buýt tới, H. chạy vội lên xe mà mồ hôi vã như tắm.
Bến xe buýt đông người là nơi "làm ăn" của nhiều kẻ lưu manh. Ảnh VL |
Thấy lời mời của thanh niên kia quá hấp dẫn, Kiên nhẩm tính, với chiếc điện thoại còn sáng long lanh này nếu mua lại ngoài quán ít cũng phải 1,5 triệu, hơn nữa hắn trình bày hoàn cảnh thiếu tiền mới phải bán rẻ đồ đạc nghe cũng đáng thương. Nhưng rồi nhớ ra, trong túi không có nhiều tiền nên Kiên ngần ngại.
Liếc qua vẻ mặt non nớt, lại như đang có vẻ chần chừ của Kiên, gã thanh niên biết "con mồi" đã "cắn câu" nên tiếp tục mời mọc năn nỉ. Cuối cùng, vì nghĩ đến những ngày sau đó 2 anh em đang thuê trọ cùng sẽ phải nhịn ăn vì hết tiền nên Kiên quyết định từ chối. Không ngờ, khi đang định quay đi thì chân tay Kiên đã kịp run lẩy bẩy khi phát hiện ra con dao bấm có…dính máu, đang gí vào người mình.
Gã thanh niên quay ngoắt 180 độ, đòi Kiên đưa hết tiền và điện thoại kèm theo lời đe doạ về chiếc dao có chứa máu của người nhiễm HIV khiến Kiên hết hồn hết vía. Mặc dù có rất nhiều người đứng đợi xe cùng, nhưng vì quá hoảng sợ, Kiên đành rút hết số tiền trong túi đưa cho hắn, và đương nhiên cả chiếc điện thoại của Kiên cũng bị tịch thu ngay trước mặt nhiều người mà không dám kêu một tiếng…
Những cú lừa ngoạn mục
Hầu hết, đối tượng mà những kẻ lừa đảo, cướp giật ở bến xe nhắm đến là sinh viên, đặc biệt là những sinh viên mới nhập học năm đầu. Khi bến xe buýt đông người, những tên này lượn lờ rồi chọn những cô cậu sinh viên khuôn mặt có vẻ thật thà, đi một mình để tiếp cận.
V.Lâm (Khoa Điện tử viễn thông, ĐH BK Hà Nội) đến giờ vẫn còn ấm ức: “Tiếc tiền thì ít mà tức thì nhiều, đành xem như mất tiền cho tội… ngu vậy”.
Lâm thường đón xe buýt ở đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Một chiều đang đứng chờ xe, cậu thấy ai khều khều cánh tay mình, quay lại thì nhìn thấy một người thanh niên. Anh ta mỉm cười với khuôn mặt như cầu khẩn: “Anh có 1 cái máy ảnh tốt lắm nhưng đang lúc cần tiền, bán rẻ cho em nhé”. Lâm phân vân vì cậu thực sự cũng chẳng cần thiết máy ảnh làm gì. Gã thanh niên lạ mặt lại tiếp tục năn nỉ: “Sinh viên những lúc sinh nhật, đi chơi có cái máy ảnh lưu lại vài kiểu làm kỉ niệm cũng hay mà, lấy đi, giá rẻ hiếm có chỉ 3 trăm ngàn thôi. Máy này trong các cửa hiệu bét nhất cũng 5 triệu đấy”. “Trăm rưởi thôi” - Lâm đã bắt đầu thích.
Thấy Lâm đã "cắn câu", hắn tiếp: “Em trả thế có tội anh quá không? Đang lúc cần mới bán chứ em thử đi cả Hà Nội này đâu có cái giá đó. Thêm cho anh vài chục nữa đi”. Lâm móc túi hai trăm ngàn - là một phần tiền quỹ lớp - đưa cho hắn. Hắn lấy cớ là không có pin nên Lâm không thử được máy. Lâm vội vàng đi mua một đôi pin rồi về hí hửng chụp. Nhưng được vài kiểu thì chiếc máy bắt đầu dở chứng. Lâm đưa ra hiệu bán máy ảnh thì được chủ quán cho biết đó là máy tàu, hàng nhái.
Và quanh các bến xe lớn như Giáp Bát, Lương Yên, Mỹ Đình…luôn có những kẻ lảng vảng để tăm tia sinh viên hay người lao động có gương mặt thật thà nhưng trong túi có tiền để gạ gẫm. Ảnh VL. |
Chị Nhung cho biết, nếu bình thường chị cũng chẳng xem làm gì vì mua đồng hồ hàng hiệu là một thứ xa xỉ so với đồng lương làm thuê ở quán cơm như chị. Nhưng hắn cứ rủ rỉ như mê hoặc: “Em xem, đồng hồ này ở ngoài hàng thì cũng đến tiền triệu, nếu em thích anh kỉ niệm lại cho em giá rẻ thôi”. Chị Nhung không tin nổi ở tai mình. Nhưng ngay lúc đó có người đàn bà ở gần nghe chuyện bèn trả giá: “Hai trăm nhé, được thì tôi mua”.
Anh thanh niên quay lại sửng cồ: “Này, đồ của con không phải vỏ hến đâu mà u trả vậy nhá”. Nhung chần chừ, rồi mang chiếc đồng hồ hàng hiệu về với giá 250 nghìn. Và cũng như số phận nhiều món hàng được chào tại các bến xe, chỉ sau một thời gian ngắn chiếc đồng hồ đã chết mặc cho chủ nhân thay hết pin rồi mang đến nhiều hiệu sửa đồng hồ. Sau này nghĩ lại, Nhung mới hiểu bà “u” trả giá trên xe cũng một hội với tên lừa đảo kia.
Những người đã có kinh nghiệm cho biết, hầu hết tại các bến xe lớn, chiêu bài của những “người bán hàng” này là thường đi từng cặp, vờ như không quen nhau, người này chào hàng thì người kia trả giá. Chiêu bài “vừa tung vừa hứng” đó có tác động rất lớn tới tâm lý ham của rẻ của khách hàng. Và nhiều người trong số đó không biết rằng, những món hàng được chào ở các bến xe đều là hàng nhái nguồn gốc từ Trung Quốc, hoặc các món đồ trộm được từ các kí túc xá hay các khu trọ sinh viên sau đó được mang đi tráo đồ rồi bán lại.
Cũng như tại các điểm chờ xe buýt như Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, bến xe Lương Yên, Giáp Bát…những tên lừa đảo này lại bịa ra đủ các hoàn cảnh như: Đang lúc kẹt tiền, hàng của tên trộm vừa chôm được… để tỉ tê mời mọc, khi không được thì doạ dẫm khiến nhiều sinh viên phải mất tiền oan, hoặc bị cướp trắng trợn giữa ban ngày, và trước mặt rất nhiều người mà không dám kêu ca.
Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều những trường hợp mà các sinh viên hay những người lao động có vẻ mặt “ngây thơ” đã từng gặp phải. Và phần lớn khi gặp những trường hợp đó người bị hại thường phải ngậm bồ hòn làm ngọt và rút kinh nghiệm lần sau phải tránh xa cái kiểu mua bán "trời ơi đất hỡi" này.