Hãy cẩn thận với những trò lừa đảo (Hình minh họa) |
Những tưởng rằng chiêu thức lừa đảo ấy đã xưa, đã cũ và chỉ dành cho những người mới lên thành phố lần đầu. Ấy vậy mà những kẻ lừa đảo này có lúc lại nhắm vào các teen nhẹ dạ, cả tin.
M (18 tuổi, trường PT) trong một lần đi học về trên đường Tô Hiến Thành, Q.10 đã gặp phải một chú trạc cỡ gần 40 tuổi. M vừa đi đường vừa thắc mắc không hiểu tại sao chú ấy cứ nhìn mình chằm chằm. Đi được một đoạn, chú kia lại quay lại nhìn M. Cuối cùng chờ M vượt lên, chú ấy chạy theo và nói: “Con ơi, con có làm rớt tiền không? Chú vừa nhặt được 100 ngàn, không biết phải của con không?” Thấy vậy theo phản ứng tự nhiên M dừng lại, sờ tay vào túi nhưng cô thấy tiền vẫn còn nguyên. M trả lời : “Không, con không làm rớt tiền”.
Vừa lúc đó có một người đàn ông khác trạc 50 tuổi chạy ngược chiều, vừa đi vừa hớt hải hỏi M và chú kia : “Chú ơi, em ơi, có thấy 2 cây vàng tui làm rớt không?”. M vừa ngạc nhiên không hiểu chuyện gì xảy ra thì ngước lên thấy chú kia đang nháy mắt ra hiệu đừng nói gì và nói với người đàn ông tìm vàng kia : “Không thấy đâu anh ơi, anh xuống dưới kia mà tìm”. Khi người đàn ông kia vừa đi khuất thì ở đây chú này bèn ghé sát tai M nói nhỏ: “Chú vừa nhặt được 2 cây vàng tính ra là hơn 40 triệu, bây giờ chúng ta chia đôi nhé…”
Nghe đến đó M sực nhớ đến màn lừa đảo cũ rích đã đăng trên báo từ trước. Thực ra hai tên ấy chính là đồng bọn của nhau. Bọn chúng- kẻ giả vờ làm rơi vàng, kẻ vô tình nhặt được, sẽ yêu cầu nạn nhân đưa tất cả vật dụng có giá trị và tiền cho chúng đổi lại chúng sẽ đưa cho nạn nhân 2 cây vàng gọi là để chia đôi. Và khi nạn nhân đang hí hửng vì tự nhiên được tiền, đem ra tiệm vàng bán thì sẽ phát hiện ra là vàng giả. Tất nhiên ai có lòng tham sẽ mắc bẫy bọn chúng. Suy nghĩ đến đó, M lắc đầu: “ Không” rồi phóng xe đi. Thấy có vẻ không lừa được, tên lừa đảo kia cũng nhanh chóng biến mất.
Màn kịch này tuy đã cũ nhưng đối tượng mới mà chúng nhắm đến là các teengirls thường được bố mẹ cho nhiều tiền, trang bị điện thoại đắt tiền và cả trang sức quý giá. Nếu ai cả tin và động lòng tham dù chỉ trong một phút thì sẽ bị gạt ngay.
Giả danh người tội nghiệp
V (19 tuổi, trường MC) trong một lần đi sinh nhật về khuya với bạn bè gặp một cô bé cỡ 7, 8 tuổi ngồi khóc bên đường. Thấy vậy V và bạn dừng lại hỏi thăm cô bé. Cô bé mếu máo khóc và nói em vừa bị rớt mất 200 ngàn tiền vé số. V nhìn cô bé rất tội nghiệp, đêm thì khuya, đường thì vắng, nếu để em bé ngồi khóc mãi không dám về nhà lỡ may có chuyện gì thì sao. V bèn móc ra 200 ngàn cho cô bé và nói em về nhà ngủ đi, đêm mà ngồi ngoài đường thì nguy hiểm lắm. Cô bé cầm tiền và đi, V và bạn cũng chạy xe về nhà. Đi được một đoạn V bèn rẽ sang đường gần đó để mua đồ ăn thì bắt gặp cô bé ấy đang ngồi khóc nữa để chờ ai đó có lòng tốt như V cho tiền tiếp…
Rõ ràng với một đứa trẻ, nếu không có người lớn đứng sau thì chúng sẽ không làm như thế được. Và số tiền đó cũng sẽ chỉ rơi vào tay những kẻ lợi dụng trẻ em để lấy tiền. Liệu những đứa trẻ đó lớn lên làm sao sẽ phát triển đầy đủ và hoàn thiện về nhân cách? Đó là một câu hỏi mà người lớn, gia đình , xã hội cần quan tâm.
Tương tự, Nhi (19 tuổi, trường ĐHSP) nhà ngay chợ Bà Chiểu. Hằng ngày Nhi đã gặp một người đàn bà hết sức tội nghiệp. Bà ta không đi được, mà chỉ có thể lết bằng hai đầu gối. Chợ thì dơ, đường thì sình lầy nhưng bà ta vẫn kiên nhẫn lết từng bước một, chậm chạp, ai nhìn cũng thương cảm. Vì thế Nhi bèn cho bà ta 20k bỏ trong cái ca bà ta mang theo, hầu như ai đi ngang qua cũng phải ngoái nhìn và cho tiền. Chợ về trưa, tan bớt người, Nhi ngồi trong nhà, vẫn thấy người đàn bà tội nghiệp đó ngồi một góc ngay Lăng ông. Đột nhiên, công an đến, bà ta cuống cuồng vơ hết sạch tiền trong ca và đứng dậy cắm đầu chạy như hề biết lết bao giờ. Thấy cảnh tượng đó, Nhi chỉ còn biết lắc đầu.
Ngoài cả tin ra, teen còn rất có tấm lòng. Nhưng nếu lòng tốt bị những kẻ xấu lợi dụng thì hẳn sẽ rất thất vọng. Vì thế có những bạn khi thấy những người khó khăn cũng nhất quyết không tin mặc dù có lúc đó là những hoàn cảnh đáng thương thật sự. Biết trách ai bây giờ?