Bạo lực học đường và bạo lực gia đình hiện là thực trạng xã hội đáng báo động.
Đó là nhận định của PGS - TS Hoàng Bá Thịnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dân số và công tác xã hội ĐH Quốc gia HN tại hội thảo quốc tế về tâm lý học đường vừa được Viện Tâm lý học tổ chức.
Thấy ghét thì đánh
PGS Hoàng Bá Thịnh cho biết từ gợi ý đề tài và hướng dẫn sinh viên tốt nghiệp cử nhân xã hội học nghiên cứu về hành vi bạo lực trong nữ sinh trung học, với 200 mẫu khảo sát tại 2 trường THPT ở Hà Nội, kết quả cho thấy có đến 96,7% số học sinh trong mẫu được hỏi cho rằng ở trường mình học có xảy ra hiện tượng nữ sinh đánh nhau. Mức độ bạo lực trong nữ sinh là: 44,7% rất thường xuyên; 38% thường xuyên và 17,3% không thường xuyên.
Đã có vài vụ xôn xao cộng đồng mạng khi nữ sinh hành xử theo kiểu côn đồ
Kết quả khảo sát còn đưa ra con số đáng lo khi có tới 64% nữ sinh thừa nhận từng có hành vi đánh nhau với các bạn. Không có sự khác biệt giữa các lớp học về tỷ lệ nữ sinh có hành vi đánh nhau. Như thế, nữ sinh lớp 10 cũng sánh ngang các chị lớp 11, 12 về "thành tích" nói chuyện với bạn bè bằng vũ lực. Đáng chú ý là hầu hết các vụ đánh nhau lần đầu tiên đều diễn ra trong khuôn viên trường học, với 52%.
GS - TS tâm lý học Kristin Powers (Hoa Kỳ) cho rằng cách tốt nhất để giúp trẻ vượt qua khó khăn về tâm lý và những vướng mắc trong cuộc sống là nên tâm sự, chia sẻ với một người lớn tuổi, mà người đó phải là một mẫu hình để tạo cho các em hy vọng vượt qua được khó khăn, giúp các em đề ra được mục tiêu trong cuộc sống chứ không để các em bị ảnh hưởng và phải dùng đến bạo lực để giải quyết vấn đề.
Vì sao nữ sinh có hành vi bạo lực? Khảo sát cho thấy có những lý do rất "trời ơi" nhưng lại là cớ để các nữ sinh đụng tay, đụng chân như: thấy ghét thì đánh (24%); nó dám nhìn đểu (16%); trả thù tình (13,3%); thậm chí có những lý do không thể hình dung được, ví dụ: người khác nhờ đánh (20%) và chả có lý do gì cũng đánh (12%).
Tiến sĩ Phan Mai Hương (Viện Tâm lý học) nhận định: Bạo lực học đường ngày càng "biến tấu" ở nhiều dạng, không chỉ có sự quậy phá, những lời chì chiết, lăng nhục mà còn gây tổn hại về thể chất, thậm chí mạng sống.
Tiến sĩ Hương nêu ví dụ: có hiện tượng một nhóm HS tổ chức trò chơi bốc thăm… đánh nhau. Nếu HS nào có mã số trùng với lá thăm thì sẽ bị đánh (!?). Nhiều nạn nhận bị đánh vô cớ theo kiểu "may rủi" như vậy.
Những xích mích, kèn cựa tuổi học trò giờ đây dễ dàng biến thành những cuộc hỗn chiến. Tình trạng lập "băng nhóm" chủ yếu ở các lớp từ lớp 8-11 nhằm khẳng định tên tuổi; thậm chí một số em còn cấu kết với đối tượng côn đồ bên ngoài để tăng thêm sức mạnh. Chuyện băng nhóm lớp này kéo qua lớp khác hoặc trường này "nghênh chiến" trường khác dẫn đến đánh nhau bể đầu, sứt trán là… chuyện thường.
Ảnh hưởng từ gia đình
Theo PGS Hoàng Bá Thịnh, điều đáng chú ý từ nghiên cứu trên là trong số những nữ sinh có hành vi bạo lực thì có hai đặc điểm quan trọng liên quan đến gia đình, đó là sự thiếu quan tâm của cha mẹ và yếu tố bạo lực trong gia đình. Kết quả khảo sát cho thấy 77,3% học sinh có hành vi bạo lực nói rằng trong gia đình mình các thành viên ít quan tâm lẫn nhau.
Về mức độ quan tâm của cha mẹ đến đời sống tâm lý, tinh thần của con cái thì có đến 52% trong số này trả lời rằng "ít quan tâm", 14,7% nói cha mẹ "không quan tâm". Khảo sát cũng chỉ ra có 84,7% nữ sinh đánh nhau nói rằng trong gia đình mình có hành vi bạo lực giữa các thành viên, trong đó có tới 32,7% trường hợp bạo lực xảy ra giữa cha mẹ và con cái.
Có mối tương quan giữa bạo lực gia đình với hành vi bạo lực của nữ sinh. Theo đó, hơn 47% -52,8% nữ sinh sống trong gia đình có hành vi bạo lực đã có hành vi này với bạn bè cùng trang lứa.
Có thể nói kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu dân số và công tác xã hội đang gióng lên hồi chuông báo động về vai trò làm cha mẹ trong gia đình hiện nay. Chỉ có 15,7% cha mẹ biết cách giáo dục con cái đúng mực và có văn hóa khi thấy con đánh nhau thì khuyên bảo nhẹ nhàng và bắt con xin lỗi bạn. Trong khi đó, 41,7% cha mẹ lại sử dụng hình thức bạo lực để đối xử với hành vi bạo lực của con cái. Chính điều này vô tình đã đẩy con cái mình trượt tiếp trên con đường bạo lực.
Nguồn: Thanh Niên