Vì sao nữ sinh đánh nhau? Chúng tôi đã gặp gỡ một số nữ sinh và nam sinh. Đa số có chung nhận định: hiện tượng này là cách để một số nữ sinh thể hiện “bản lĩnh” cũng như chứng tỏ đẳng cấp “đàn chị” của mình.
Bạn Trần Quỳnh Anh
Bạn Trần Quỳnh Anh (lớp 12 Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM - bí thư Đoàn trường): Muốn được nể phục bằng sức mạnh
Hiện nay, một bộ phận nữ sinh rất dễ nhảy vào đánh nhau vì những lý do không đâu. Thậm chí tôi từng thấy một số bạn nữ đánh nhau vì tác động của bên ngoài. Khi hai bạn nữ có xích mích và dẫn đến cãi vã, các bạn đứng gần đó không can ngăn mà còn cổ vũ. Chính những tác động đó khiến các bạn không kềm được lòng mình dẫn đến đánh nhau.
Khi làm như thế, nhiều bạn cho đó là cách thể hiện “bản lĩnh” cũng như muốn chứng tỏ mình trước bạn bè. Các bạn ấy muốn được người khác nể phục bằng sức mạnh, thay vì bản lĩnh trong học hành.
Theo tôi, cách hành xử của các bạn có lẽ cũng chịu tác động và ảnh hưởng rất nhiều từ gia đình và môi trường sống. Khi bố mẹ ly dị, gia đình hay xảy ra bạo lực cũng dễ hướng các bạn đến cách ứng xử bạo lực với bạn bè và người xung quanh.
Bạn Huỳnh Nguyễn Quang Huy
Bạn Huỳnh Nguyễn Quang Huy (lớp 12 Trường THPT Marie Curie, TP.HCM): Tác động của môi trường xung quanh
Tôi nghĩ chứng tỏ quyền lực của một đàn chị cũng như muốn người khác phải nể sợ là điều mà các bạn nữ nghĩ khi đánh nhau. Nhưng cũng không ít trường hợp các bạn nữ bị bạn mình chèn ép và hiếp đáp quá đáng hoặc bị nói xấu nên phản ứng bằng cách đánh lại.
Môi trường xung quanh rất quan trọng vì nó tác động rất lớn đến cách hành xử của các bạn. Một bạn nữ lớp tôi trước kia rất hung dữ và sẵn sàng nói chuyện bằng tay chân với bạn bè khi có xích mích. Nhưng khi chuyển sang học cùng lớp với môi trường mọi người đều hành xử có chừng mực và biết điều với nhau, dần dà bạn ấy đã có sự chuyển biến rõ rệt và bây giờ trở nên cực kỳ nữ tính, hiền dịu.
Tất nhiên, các bạn nữ ngày nay không nhất thiết phải quá dịu dàng, thùy mị đến mức yếu đuối mà nên năng động, mạnh mẽ và có cá tính. Tuy nhiên, đánh nhau không phải là cách thể hiện bản lĩnh cũng như cá tính của mình, mà còn làm xấu thêm hình ảnh các bạn nữ trong mắt các bạn nam.
Một nữ sinh đề nghị giấu tên (Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, TP.HCM): “Lấy số má”
Tôi từng chứng kiến hàng chục vụ nữ sinh đánh nhau cả trong lớp và ngoài trường. Ra oai, “lấy số má” là điều mà các bạn ấy nghĩ khi đi đánh một ai đó. Chỉ cần các bạn ấy ghét nhau hoặc vì thấy bạn mình “nhìn thấy ghét”, “kênh kiệu quá”, “chảnh quá” là bắt đầu tìm lý do để “đánh cho bõ ghét”. Rồi các nữ sinh bắt đầu tụ tập thành nhóm kéo đến xử bạn nữ xấu số nào bị “chỉ mặt”.
Đặc biệt, nổi lên hiện nay là tình trạng les (đồng tính ái nữ) hoặc giả les của một bộ phận nữ sinh. Nhiều lớp có đến 7-8 bạn les và sẵn sàng hợp thành nhóm đi đánh nhau. Ngay cả tôi tuy không muốn nhưng cũng phải vào một nhóm để tránh bị hiếp đáp hoặc có được sự hỗ trợ khi bị đánh.
Cần được giáo dục kỹ năng sống
Thật khiếp sợ khi thấy những “áo dài” cầm trên tay dao, kéo hoặc những vật dụng để làm tổn thương lẫn nhau. Ngay cả bản thân tôi khi đã đủ 18 tuổi vẫn cảm thấy kỹ năng sống của mình thật yếu kém. Chúng tôi mong muốn được giáo dục những kỹ năng ứng xử, nhân cách, lối sống nhiều hơn trong nhà trường.
Huỳnh Lưu Đức Toàn
(THPT chuyên Lê Quý Đôn, Khánh Hòa)
Thường thấy nhất là nạn nhân trong những video clip không hề đánh trả, chỉ biết ngơ ngác đứng nhìn hoặc chịu trận. Có thể do các bạn thấy mình quá đơn độc, không hề có “phe ta” (chí ít là giải hòa hoặc can ngăn) nên các bạn không dám phản ứng (nếu phản ứng có thể sẽ ăn đòn nhiều hơn)
Trần Tuấn Anh
(jerry_thienvan@XXXXXX)
Đang là học sinh phổ thông, em thấy hiện nay một số học sinh cùng trang lứa dễ sử dụng bạo lực với nhau. Em mong các bậc phụ huynh, nhà giáo dục, nhà tâm lý cố gắng tìm hiểu, phân tích thực tế nguyên nhân từ đâu để có thể bảo vệ con em và tuổi học trò vốn rất trong sáng, hồn nhiên.
Lệ Hằng