[/size] [size=2]Giữa đêm tối tĩnh mịch của vùng rừng núi nơi doanh trại của bộ đội, Thái Sơn, cậu bé vốn ngỗ nghịch lại bật khóc nghẹn ngào: "Bố ơi con biết lỗi rồi, hãy tha lỗi cho con…". Xung quanh, nhiều teen cũng nức nở.
[/size] Đêm thứ 3 của Học kỳ quân đội thanh thiếu niên được gọi bằng cái tên trìu mến "Đêm gia đình". Trong sự cô tịch của vùng núi đồi vốn là địa bàn đóng quân của Sư đoàn 309 (Đồng Nai), khi lời bài hát "lung linh lung linh tình mẹ tình cha, lung linh lung linh cùng một mái nhà" vang lên cũng là lúc những giọt nước mắt thương nhớ gia đình của các em tức tưởi rơi xuống. Những cậu ấm cô chiêu khóc òa ôm lấy đồng đội của mình, âm thanh chỉ còn là những nấc nghẹn ngào.
Những giọt nước mắt nghẹn ngào trong "Đêm gia đình" Học kỳ quân đội. Ảnh: Thi Ngoan. |
"Con có lỗi với bố, con biết lỗi rồi. Bố tha thứ cho con nhé. Con thương bố và em lắm…", những lời nói xuất phát tự đáy lòng của đứa con xưa nay chưa bao giờ biết nhường nhịn ai khiến ông Hải (bố của Sơn) cũng không cầm được nước mắt. Ở đầu dây điện thoại bên kia ông cũng nghẹn ngào: "Nghe con nói vậy, bố mừng lắm…", rồi cả hai bố con cùng khóc nức nở.
Giây phút viết thư gửi về gia đình đầy cảm động. Ảnh: Thi Ngoan. |
9.000 em nhỏ từ Bắc đến Nam và cả Việt kiều tham gia Học kỳ quân đội do Trung tâm Thanh thiếu niên Miền Nam tổ chức hè năm nay. Đợt trại đang diễn ra ở Đồng Nai, kéo dài trong 10 ngày. Chiều 6/6, những trang thư đẫm nước mắt này đã được gửi tận tay bố mẹ các em. |
Vốn là những "công chúa, hoàng tử", tham gia kỳ học trong quân đội lần này đòi hỏi các em phải tự túc mọi việc từ giặt giũ quần áo, rửa chén đến quét sân… Ngày đầu tiên nhập ngũ, nhiều teen không khỏi bị sốc bởi môi trường hoàn toàn mới. Ở nơi rừng thiêng hiểm trở mà không có sự giúp đỡ, chăm sóc của cha mẹ.
Trịnh Nguyễn Minh Đan là con gái duy nhất trong gia đình, được bố mẹ hết mực nâng niu chiều chuộng. Mỗi khi cầm chén cơm được quy định theo khẩu phần như các chú bộ đội, vì nhớ mẹ cô bé bùi ngùi: "Em nhớ những bữa cơm mẹ nấu quá. Ở nhà mẹ nấu ngon hơn nhiều nhưng em ăn vẫn không thấy ngon và không biết cám ơn mẹ, giờ vào đây mới thấy nhớ mẹ quá".
Những tâm tình của các em được gửi gắm trong lá thư gửi về gia đình. Ảnh: Thi Ngoan. |
Cô bé tuổi teen đọc như nuốt từng nét chữ thân thương: "Thế là con gái đã xa ba mẹ mấy ngày rồi. Lần đầu tiên con gái xa nhà. Ba mẹ nhớ con mà không ngủ được. Nhớ ngày nào con còn nhỏ xíu, lâu lâu mẹ nói 'hôn ba đi con'. Con kiễng chân chồm lên hôn ba. Hình ảnh này ba vẫn nhắc về con suốt. Lớn lên con lại sợ dơ, khi hôn ba, con len lén chùi đi. Còn bây giờ con không thèm hôn ba nữa…", đọc đến đây những giọt lệ của nàng công chúa làm ướt nhòe lá thư.
Trong bức thư hai mặt giấy A4 viết đêm hôm đó, Minh Đan cũng bày tỏ sự hối hận, xin lỗi cha mẹ và hứa sẽ chăm lo học tập. "Lúc này con chỉ muốn gặp cha mẹ, ôm ba mẹ thật chặt, hôn ba mẹ thật nhiều. Những sai lầm của con, con xin ba mẹ tha thứ".
Mặc dù theo quy định của khóa học, phụ huynh không được đến thăm trẻ, song vì quá thương nhớ đứa con trai nhỏ nên vợ chồng chị Yến cũng lặn lội đến đây chỉ để đứng từ xa nhìn mặt cu cậu. Đứng lấp ló ở ngoài hiên hội trường, khó khăn lắm người mẹ mới tìm được con mình, song vì kỷ luật quân đội nên chị không dám ra mặt mà chỉ dõi từng nét biểu cảm trên mặt đứa con.
Thấy con khóc, hai vợ chồng chị cũng không cầm được nước mắt, chỉ biết nắm tay nhau cảm động. "Ở nhà cháu chỉ biết chơi thôi chẳng phụ giúp gì cha mẹ. Giờ nó biết khóc rồi, vậy là biết thương cha mẹ rồi đấy", chị Yến sụt sùi.