Khi Nghị định 72 về quản lý và cung cấp sử dụng dịch vụ Internet ra đời, dư luận trong nước đang rất xôn xao trước cách hiểu của một số người cho rằng Nghị định sẽ cấm các cá nhân sử dụng mạng xã hội chia sẻ và tổng hợp tin tức.
Vấn đề đặt ra là cách hiểu trên có đúng?
Chiều 31/7, Bộ Thông tin truyền thông tổ chức buổi họp báo giới thiệu Nghị định 72/2013/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 72) về quản lý và cung cấp sử dụng dịch vụ Internet. Báo chí trong nước đã có nhiều bài viết về các vấn đề được đề cập đến trong Nghị định 72 trong đó có vấn đề về quản lý các trang thông tin điện tử cá nhân. Nhiều người đã hiểu không chính xác nội dung của Nghị định, dẫn đến những bức xúc khi cho rằng Nghị định cấm các cá nhân (chủ sở hữu trang thông tin điện tử cá nhân) chia sẻ và tổng hợp tin tức.
Vậy thực tế, người sử dụng mạng xã hội (đặc biệt là người sử dụng mạng xã hội Facebook, Zing Me) có được chia sẻ tin tức không? Câu trả lời là có và luật pháp Việt Nam chưa và sẽ không bao giờ ngăn cấm việc làm đó. Sự bức xúc của dư luận xuất phát từ cách hiểu sai nội dung Nghị định 72.
Trong Điều 20 (Phân loại trang thông tin điện tử), mục I (Chương III: Quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng), Nghị định 72 nêu khái niệm: Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập, hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.
Có thể thấy, đây chỉ là điều khoản mà Bộ Thông tin truyền thông sử dụng để phân loại (phân biệt) các loại hình trang thông tin điện tử chứ hoàn toàn không có hàm ý cấm đoán hay ngăn chặn các hành vi của chủ sở hữu trang thông tin cá nhân.
Tại Điều 10 (Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng Internet) và Điều 26 (Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội) của Nghị định 72 có những quy định khá cụ thể và chi tiết nhưng tuyệt nhiên không có câu chữ nào thể hiện ý chí “ngăn cấm người sử dụng mạng xã hội chia sẻ (đăng lại) tin tức”.
Trở lại với Điều 20, một số người sẽ thắc mắc về cụm từ “không cung cấp thông tin tổng hợp” và cho rằng đó là sự cấm đoán, thì tại mục 19, Điều 3 (Giải thích từ ngữ), Nghị định 72 nói như sau: Thông tin tổng hợp là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin về 1 hoặc nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội…
Nhà báo Nguyễn Vạn Phú (Thời báo Kinh tế Sài Gòn) cho rằng cụm từ “không cung cấp thông tin tổng hợp” xuất hiện trong Nghị định 72, không chỉ áp dụng cho trang thông tin điện tử cá nhân mà còn xuất hiện trong các phần nói về “trang thông tin điện tử nội bộ” (tức của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp), “trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành” (ví dụ của viễn thông, ngân hàng) với nghĩa khá rõ là 3 loại hình trang thông tin điện tử này không được trích dẫn nguyên văn hay đúng hơn là trích lại toàn văn các nguồn tin trên báo chí chính thức.
Cũng theo ý kiến của nhà báo Nguyễn Vạn Phú: “Quy định này nhằm chấm dứt tình trạng lấy lại tin bài trên các báo, đăng nguyên văn mà không xin phép. Đôi lúc còn sửa đổi nội dung, giật tít mang tính câu khách của nhiều trang mạng. Đây là chuyện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà báo chí đã lên tiếng trong thời gian qua”.
Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Lê Nam Thắng: "Những thông tin tổng hợp, thông tin chính thức của các cơ quan báo chí, còn liên quan đến vấn đề bản quyền, vấn đề của cơ quan báo chí, không thể lấy từ chỗ này đặt sang chỗ kia được, mà phải trích dẫn, xin phép, đồng ý".
Mở rộng vấn đề, thời gian vừa qua vấn đề bản quyền thông tin, bản quyền tác giả trên báo chí Việt Nam đang trở nên khá nóng bỏng trước tình trạng xuất hiện ngày một nhiều các trang thông tin điện tử tổng hợp (trong đó có cả những trang thông tin điện tử do các cá nhân thiết lập trên các mạng xã hội) “tầm gửi” bằng cách sao chép thông tin của báo chí chính thống.
Trong buổi họp báo giới thiệu Nghị định 72, chiều ngày 31/7, Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Lê Nam Thắng phát biểu: “Những thông tin tổng hợp, thông tin chính thức của các cơ quan báo chí còn liên quan đến vấn đề bản quyền, vấn đề của cơ quan báo chí, không thể lấy từ chỗ này đặt sang chỗ kia được, mà phải trích dẫn, xin phép, đồng ý. Hay, thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước hoặc của các tổ chức, không thể lấy đưa lên rồi làm thành tin tức của mình được. Đấy là qui định chung về Luật Dân sự và qui định của pháp luật về Luật Sở hữu trí tuệ”.
Rõ ràng, đối tượng và hành vi cần điều chỉnh mà Bộ cũng như Nghị định 72 đang nhắm đến là vấn đề bản quyền, hoàn toàn khác so với cách hiểu (về quyền của người dùng mạng xã hội) của nhiều người.
“Vì sao có thể khẳng định cách hiểu như trên. Bởi ngoài việc bản thân Nghị định 72 nói khá rõ ràng, Luật Sở hữu trí tuệ có nói chuyện trích dẫn hợp lý (ý nói không trích gần hết tác phẩm và không làm sai ý) là chuyện bình thường, không cần xin phép, không phải trả nhuận bút (và dĩ nhiên không ai cấm được)… Nghị định (72) làm sao cao hơn Luật được?”, nhà báo Nguyễn Vạn Phú kết luận.
Lê Trí
Theo Infonet