Chủ hộ đã bị sốc nặng khi được nhân viên thu tiền nước thông báo dùng hết hơn 1.000 m3 nước với số tiền phải đóng hơn 19 triệu đồng cho 6 người sinh hoạt một tháng.
Ông Ứng cho biết, trong tháng 4, đường ống và phao nước nhà ông không hề hỏng.
6 người dùng hết hơn 1.000 m3 nước/tháng
Như thường lệ, đến ngày 27-28 hằng tháng, gia đình ông Trần Công Ứng (62 tuổi) và bà Hoàng Thị Hòa (60 tuổi, ở số 10 xóm Lẻ, Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) vẫn nhận được thông báo giá tiền nước từ nhân viên của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp. Hằng tháng, số tiền chỉ dao động từ 200.000 – 300.000 đồngcho 6 người (4 người lớn, 2 trẻ nhỏ) sử dụng.
Tuy nhiên, cuối tháng 4 vừa qua, gia đình ông Ứng đã thực sự rất sốc khi được nhân viên thu tiền nước thông báo sử dụng hết 1.029 m3 nước với số tiền lên đến 19.125.036 đồng.
“Nghe tin mà vợ tôi rụng rời chân tay, đứng không vững. Tiền nước bỗng dưng tăng đột biến trong khi gia đình tôi vẫn sinh hoạt như vậy. Nó gấp gần 100 lần số tiền mà nhà tôi vẫn phải đóng hằng tháng trước đó”, ông Ứng nói.
Ông Ứng cũng cho biết thêm, từ trước đến nay chỉ có 2 lần tiền nước nhà ông tăng cao hơn bình thường lên khoảng 800.000 - 1 triệu đồng. Hai lần đó là do phao nước tự động trong bể hỏng nên nước bị tràn.
Sau khi có thông báo, gia đình ông Ứng đã kiểm tra lại đường ống nước, bể nước, đồng hồ… nhưng tất cả đều hoạt động ổn định không vỡ, không hỏng.
Gia đình đã làm kiến nghị lên Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp nhưng họ cho số liệu trên là đúng. Ngày 24.5 tới đây, gia đình ông Ứng không đóng tiền sẽ bị cắt nước.
Đơn vị cung cấp nước nói gì?
Sáng 17.5, trao đổi với phóng viên về vụ việc, ông Bùi Văn Năng - Trưởng ban Kiểm soát Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Triều Khúc cho biết, trường hợp số nước nhà ông Ứng tăng đột biến trong tháng 4.2015 là do hỏng đường ống, hỏng phao dẫn tới nước chảy ra ngoài.
Sau sự việc, ông Ứng theo dõi đồng hồ thì thấy mỗi ngày gia đình ông chỉ dùng khoảng 1 m3 nước.
“Đường ống nước cỡ phi 15, một tiếng có thể chảy qua đồng hồ được 3 m3. Số đó nhân với 24 tiếng/ngày… thì một tháng có thể lên tới hơn 2.000 m3. Đấy là do gia đình phát hiện và sửa kịp thời chứ không con số còn lớn hơn nữa chứ không phải 1.029 m3”, ông Năng giải thích.
Ông Năng cũng cho biết thêm, sao khi nhận được phản ánh từ phía gia đình ông Ứng, Hợp tác xã đã cho công nhân xuống kiểm tra và sửa chữa. Tuy nhiên, gia đình ông Ứng lại cho hay, trong tháng 4 không có bất kì một công nhân nào của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp đến kiểm tra đường ống nhà ông.
Để giải quyết về vấn đề trên, ông Năng cho hay: “Nếu tính đúng, gia đình ông Ứng phải đóng tiền nước ở mức 4 là hơn 24 triệu đồng. Tuy nhiên, do là người làng nên chúng tôi chỉ tính ở mức 3 (giá 9.990 đồng/m3 nước) là 19.125.036 đồng. Nhận thấy gia đình có khó khăn nên chúng tôi chỉ lấy bằng chi phí mà HTX phải bỏ ra, tức gia đình ông Ứng phải đóng 10.793.690 đồng tiền nước tháng 4”.
Khi phóng viên đề nghị xem biên bản làm việc giữa 2 bên HTX và gia đình ông Ứng thì ông Năng cho biết, 2 bên chỉ thỏa thuận miệng chứ chưa có bất cứ một văn bản nào.
Phóng viên tiếp tục đề nghị ông Năng cung cấp các cuống hóa đơn tiền nước của gia đình nhà ông Ứng các tháng trước để có sự so sánh. Tuy nhiên, ông Năng đã hẹn 2 ngày sau mới cung cấp lại cho phóng viên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Theo Triệu Quang (Dân Việt)