[size=4]Giáo viên bất ngờ thông báo kiểm tra 15 phút. M (lớp 11 trường Lê Thánh Tôn, Nha Trang), dù không có chữ nào trong đầu, vẫn hí hoáy chép, thỉnh thoảng lại rón rén cho các ngón tay vào bóp viết, mắt dáo dác nhìn xung quanh…[/size]
[size=4]"Phao" kĩ thuật số tung hoành[/size]
Giờ chơi, nghe bọn bạn xì xào lớp bên cạnh vừa kiểm tra 15 phút môn sử, M liền móc trong túi ra chiếc LG KP500 và… "tách… tách!". Ngay lập tức, trên màn hình chiếc điện thoại di động của M đã có nội dung bài học từ 2 trang vở với độ nét khá cao. Trống vào tiết, y như tin đồn, cô cho kiểm tra. M nhanh tay cho "dế" vào hộp bút và mở sẵn file vừa chụp. Lúc này, chiếc điện thoại cảm ứng của M được chủ nhân hô biến thành "phao". Cô nàng tỏ ra khá tự tin khi sử dụng thiết bị "quay" hiện đại này, bởi việc phóng to, kéo, lướt hình ảnh có thể thực hiện dễ dàng. T (lớp 12 trường Nguyễn Trãi, Q.4) lại có chiêu khác. Trong giờ kiểm tra toán, T bị "bí" nên nhờ cậu bạn học khá hơn làm bài xong tới đâu thì chụp hình tới đó rồi "bắn" Bluetooth cho mình. "Máy quay" được T và "chiến hữu" "ém" dưới gầm bàn.
Một loại "dế" được teen sử dụng làm "phao"
V (lớp 12 trường Sa Đéc, Đồng Tháp) tình cờ phát hiện trên mạng đang rao bán một số loại máy MP4 có khả năng đọc được file văn bản TXT (file tiếng Việt không dấu). Anh chàng không ngần ngại chi 560k tậu một cái để có thêm "quyền trợ giúp" trong giờ kiểm tra. Sau đó, V hí hửng dùng máy tính tạo file TXT có nội dung bài học môn giáo dục công dân, rồi chép lại vào "phao". Bạn bè tò mò, V hào hứng khoe: "Máy nhỏ xíu, có thể nằm gọn trong lòng bàn tay nên thầy cô không phát hiện được đâu!". Thấy V "làm ăn" coi bộ thuận lợi, một số bạn trong lớp cũng gom tiền mua máy về "tác nghiệp"…
Móc khoá hitech
Nói về "phao" kĩ thật số mà không nhắc đến móc khóa hi - tech thí thật là thiếu sót. Tuy là móc khoá, nhưng thiết bị chỉ bé bằng ba ngón tay này còn có chức năng lưu ảnh. P (lớp 12 trường Chu Văn An, Nha Trang) tiết lộ: "Sử dụng phao loại này hơi mất thời gian (phải dùng máy ảnh chụp hình bài học, save vào máy tính, sau đó mới chép lại vào móc khoá), nhưng an toàn vì có thể mặc nhiên để trên bàn mà không sợ bị lộ" (?)". Thông thường, các "nhà quay phim" học trò sử dụng loại móc khoá hi - tech của Trung Quốc (giá từ 60 - 150k/cái), còn hàng xịn (giá từ 500k trở lên) ít teen xài vì không hợp túi tiền. "Giả sử bị thầy cô phát giác, tịch thu máy cũng không sao, rẻ mà!", P ra vẻ sành điệu…
[size=4]Đừng tưởng bở![/size]
Khi biến thiết bị công nghệ thành "phao", nhiều teen tỏ ra đắc ý với "phát minh" mới của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào các "chuyên gia quay cóp" cũng qua mặt được thầy cô. Như trường hợp của M, lần đó, đang cho "bàn tay bí ẩn" vào hộp bút thì bị giáo viên bắt quả tang. "Dế" của M sau đó bị "tạm giam", bài kiểm tra thì bị hủy ngay lập tức. Cuối buổi học, M được "ngồi chơi xơi nước" trong phòng giám thị, sau đó cô nàng còn phải mời phụ huynh vào trường làm việc.
Không chỉ bị "lộ tẩy", có nhiều tình huống tréo khoe mà teen không lường trước được. P ngậm ngùi cho biết: "Đa số máy xem ảnh giá bèo có chất lượng cũng… bèo luôn. Có lần, tui bị thầy phát hiện cũng vì tắt máy không kịp do nút mở nguồn bị kẹt. Thằng bạn tui thì trong lúc loay hoay đã làm rơi phao xuống đất, bể mất màn hình. Vừa bị phát hiện vừa hư của, đau gì đâu!". V.T (lớp 12 trường Chu Văn An, Nha Trang) cho biết: "Cái móc khoá hi - tech của tui vài lần đầu xài thấy êm ru, nhưng sau đó thì ảnh chạy lung tung, thỉnh thoảng hình bị treo khiến "sự nghiệp" quay cóp của tui nhiều lúc gặp trục trặc". Còn T, sau vài đợt làm ăn trót lọt, gần đây đã gặp phải sự cố dở khóc dở cười: bắn Bluetooth nhưng quên tắt chuông điện thoại nên khi nhận file xong, dế đột nhiên… la làng. Tất nhiên, "chiếu theo luật mà xử", điện thoại của T bị tịch thu chờ phụ huynh đến lãnh, còn bài kiểm tra của anh chàng thì giáo viên… không cần chấm.
Bạn công nhận không, các thiết bị công nghệ với những tính năng thông minh sẽ không thể phát huy tiện ích nếu bạn sử dụng chúng vào những mục đích không… thông minh?
BUM - BERRY - BÍ
Ảnh: BERRY - BÉO
Copy từ: http://forum.buonchuyen.info