Teen sẽ khổ vì hết hàng rong?
Cách đây 1 tháng, teen mình đã xôn xao về lệnh cấm hàng rong ở một vài tuyến phố. Khi biết chắc những tuyến phố cổ cũng nằm trong diện “quy hoạch”, ai cũng cảm thấy tiếc. Bởi đã từ lâu, cháo sườn Lý Quốc Sư, caramen, bánh bao chiên Hàng Than, chè khoai Nguyễn Trường Tộ, bánh cuốn tôm Trần Xuân Soạn, tào phớ, mã thầy và hàng trăm món “chỉ ngon khi ngồi ăn ở vỉa hè” đã trở thành thói quen ăn uống của giới teen Hà Nội. Cấm hàng rong, đồng nghĩa với việc phải “bye bye” các món ăn ưa thích.
Phố Thợ Nhuộm, Trần Nhân Tông và Hàng Thùng trước kia vẫn la liệt những gánh hoa quả. Muốn ăn hoa quả, teen chỉ việc chạy ù ra mua, cũng không cần mặc cả nhiều lắm bởi người gánh rong ít khi nói thách quá. M.Hạnh (trường Việt Đức) than thở: “Gia đình tớ đều mua hoa quả gánh rong vừa rẻ vừa tươi, giờ cấm bán như vậy thì chắc lại phải qua chợ Hàng Da mua, đắt gấp 3, 4 lần í chứ!”.
Những cảnh tíu tít bên gánh hàng rong vỉa hè sẽ không còn nữa
Hầu hết teen đều tỏ ra tiếc nuối hình ảnh những gánh bún riêu, bún đậu mắm tôm và các loại hoa quả tràn ngập trên phố. Có teen ở nước ngoài như Thu Hà (17 tuổi) thì chỉ ao ước về nhà để ăn tào phớ và bún riêu gánh trong phố nhỏ Nguyễn Trung Trực. Giờ thì chắc phải từ bỏ sở thích đó rồi. “Mỗi lần được xem ảnh chụp một gánh hàng rong phố cổ post trên mạng thì đều nhớ Hà Nội đến… phát điên!”. Tâm sự rất thật của một teen xa nhà đó!
Teen đi xe đạp còn băn khoăn khi nghĩ đến mỗi lần… thủng lốp, vắng bóng bác vá xe quen thuộc trên đường thì xoay sở để dắt được xe cũng là cả một vấn đề to lớn. Chẳng lẽ lại vào hàng sửa xe máy nhờ… vá săm xe đạp?
Và những khó khăn của người lớn
Cứ tưởng chỉ có teen ngậm ngùi vì phải chia tay với hàng rong. Nỗi lo của người lớn bỗng trở nên “nằng nặng”, bởi từ khi bão giá đổ về, nhiều gia đình đã quen với việc mua thực phẩm hàng ngày từ những gánh hàng trên phố. Cô Chi, mẹ của một teen phố Hàng Buồm thở dài: “Hàng ngày ngồi ở cửa cũng mua được mớ rau hay cân thịt rẻ hơn trong chợ, chứ quanh đây chỉ có chợ Hàng Bè, với lương của cô và chú thì khó lo được bữa ăn đàng hoàng lắm. Cấm hàng rong rồi chả biết mua thực phẩm rẻ ở đâu?”
Thu nhập của gia đình P (16 tuổi) đều trông chờ vào hàng bánh bột lọc và bún cuốn tôm của mẹ P. Khi biết tin sắp bị cấm bán hàng rong trên vỉa hè, gương mặt vất vả của bác T luôn lộ vẻ lo lắng. Vẫn biết sẽ có lộ trình cho người bán hàng rong, nhưng mẹ P vẫn không khỏi hoang mang, P còn 1 năm nữa mới tốt nghiệp, em trai P thì mới vào lớp 10. Thu nhập gia đình lại chỉ trông vào gánh quà ấy thôi.
Thu nhập của nhiều gia đình phụ thuộc vào hàng quà vỉa như thế này
Anh Long là chủ một sạp bán mũ bảo hiểm và vành chống nắng trên vỉa hè phố Thái Hà. Em gái anh đang học cấp 3, bán được nhiều mũ thì phụ tiền học thêm, tiền ăn hàng ngày để bố mẹ dưới quê đỡ vất vả. Mấy ngày nay, anh Long đều cố gắng vớt vát bán được chiếc nào hay chiếc ấy, bởi từ mai, anh sẽ phải dẹp sạp hàng, đồng nghĩa với việc chuyển sang công việc khác vất vả hơn, miễn là kiếm được tiền cho em gái học hành tử tế. Với những người ngoại tỉnh, việc bám trụ lại đất Hà Nội dường như còn quá nhiều khó khăn, nhưng “Luật là luật, nhỡ bị phạt thì còn quá tội hơn!”, anh Long cho biết.
Chúng tớ đã phỏng vấn nhanh một số xì tin về một Hà Nội “sạch bong” khi vắng bóng hàng rong và quá xá vỉa hè, cùng “view” nhé!
Lê Anh Vũ (17 tuổi, THPT VĐ): Chỉ nghĩ đơn giản là thế này, teen thì chẳng bao giờ có nhiều tiền cả, nếu cấm hàng rong hết, không còn mấy hàng ăn vặt nữa thì chẳng nhẽ bọn tớ lại đi vào… nhà hàng để ăn à, hay là phải tránh 62 tuyến phố và 48 điểm di tích để tìm hàng rong? Đấy là chưa kể xem mấy người bán rong sẽ làm gì kể kiếm sống đây. Chỉ 3k một bát tào phớ, bán hết ngày người ta cũng chỉ kiếm được mấy chục. Hàng rong ở mỗi tuyến phố như là cái gì đấy thuộc về tiềm thức của người Hà Nội rồi, bây giờ bị cấm thì tiếc quá…
Lê Ngọc Linh (16 tuổi): Luật thì vẫn là luật; chúng ta vẫn phải chấp hành thôi. Chẳng nhẽ cứ ngồi tiếc ngẩn ngơ, rồi băn khoăn, thắc mắc thì giúp được gì à? Tớ tin rồi Nhà nước sẽ có giải pháp cho những người bán hàng rong, dù gì thì đó cũng là nghề mưu sinh của họ mà.
Vũ Thuỳ Minh (17 tuổi, THPT TNT): Tớ có biết một cô bán chong chóng trước cổng công viên Thống Nhất. Nhờ những chiếc chong chóng bán rong đó mà cô đã nuôi dạy được con gái hiện đang học lớp 10 tại trường tớ. Nếu bị cấm bán hàng rong, thì thực sự tớ không hiểu cô và bạn gái đó sẽ sống ra sao…
Nguyễn Thu Phương (19 tuổi, SV ĐH): Nói thật, mình là một “bà chúa quà vặt” luôn ý! Nếu bây giờ mà cấm hàng rong thì buồn quá! Chỉ có mỗi hàng rong là rẻ, ngon, dễ tìm, nói chung quá phù hợp với túi tiền luôn luôn “eo hẹp” của mình. Thật khổ cho các bác hàng rong lẫn tụi sinh viên học sinh chúng mình!
Thuỳ Trang (Du học sinh tại Anh): Mùa đông sẽ không còn bò nướng, lẩu vỉa hè mùa hè thì hết cả mía đá, gỏi cuốn… thì biết tính sao đây??? Cũng giống như luật đội mũ bảo hiểm thôi, Nhà nước ra luật thì mình phải chấp hành. Chỉ thấy tiếc là mình đã không về Việt Nam kịp để cố “tận hưởng” cảm giác những khi ngồi ăn trứng vịt lộn, bánh đa kê, rồi cháo trai, cháo sườn rong…
Lâm Vũ (18 tuổi, phố Hàng Đường): Đã là luật thì phải biết chấp hành thôi. Chắc chắn phải có hướng giải quyết khác cho hàng rong, ví dụ lập chợ chẳng hạn.
62 tuyến phố không được phép bán hàng rong: - Hoàn Kiếm (16 tuyến): Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch, Lê Thái Tổ, Bà Triệu, Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Hàng Lược, Chả Cá, Hàng Cân, Lương Văn Can, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Bài, Nhà Chung.
- Ba Đình (26 tuyến):Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Chu Văn An, Hùng Vương, Độc Lập, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ, Chùa Một Cột, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Ông Ích Khiêm, Bà Huyện Thanh Quan, Lê Trực, Sơn Tây, Thanh Niên, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Bắc Sơn, Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Chí Thanh, Vạn Phúc, Liễu Giai, Văn Cao, Phan Huy Ích, Vạn Bảo.
- Đống Đa (12 tuyến): Cát Linh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Trường Chinh, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Đào Duy Anh, Chùa Bộc, Thái Hà, Khâm Thiên, Đê La Thành.
- Hai Bà Trưng (3 tuyến): Bạch Mai, Phố Huế (thực hiện cả tuyến phố trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và Hoàn Kiếm), Trương Định.
- Cầu Giấy (3 tuyến) Xuân Thủy, Cầu Giấy, Trần Duy Hưng.
- Thanh Xuân (2 tuyến) Nguyễn Huy Tưởng và Khương Trung. 48 di tích lịch sử, văn hóa bị cấm bán hàng rong: - Ba Đình: chùa Bát Tháp, đình Vạn Phúc, đền Liễu Giai, Quán Thánh, Lăng Bác, Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Hoàn Kiếm: chùa Huyền Thiên, Ô Quan Chưởng, đền Bạch Mã, chùa Bà Đá, chùa Lý Quốc Sư, Nhà thờ Lớn, Bảo tàng Cách mạng, nhà 87 Mã Mây, nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh 48 Hàng Ngang, Bảo tàng Lịch sử, di tích Hỏa Lò.
-Đống Đa: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Phổ Giác, chùa Láng
- Hai Bà Trưng: chùa Vua, chùa Vân Hồ, chùa Quang Hoa, đền Đồng Nhân
- Cầu Giấy: chùa Hà, chùa Dâu, đình Mai Dịch, Bảo tàng Dân tộc học
-Hoàng Mai: chùa Tương Mai, chùa Sét, đình, chùa Tứ Kỳ
-Long Biên: chùa Bồ Đề, đền Ghềnh, đình Lệ Mật
- Tây Hồ: phủ Tây Hồ, chùa Thiên Niên, chùa Tứ Liên, chùa Kim Liên, đình An Thái, đình Đông Xã, đền Vệ Quốc, đền Đồng Cổ, đền Thăng Long, đền Voi Phục
- Thanh Xuân: đình Khương Đình, chùa Bồ Đề, đình Quan Nhân, đình Cự Chính.
- Trung tâm Hội nghị Quốc gia.