Từ khi giá đô giảm về mức trung bình, nhiều teen có điều kiện đã quay lại với thói quen tiêu ngoại tệ để khỏi bị mang tiếng là không sành điệu.
Xài đô mới là sang
Thấy bố mẹ thường xuyên mua bán đô, cô bạn P.Thanh( 16 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng bắt đầu sắm cho mình một chiếc ví để góp đô và tiêu xài như những Việt Kiều nhí thực thụ nhá. Chuyện ví Thanh luôn đầy ắp ngoại tệ của các nước như đô Sing, bảng Anh… không phải là chuyện quá lạ trong mắt bạn bè. Gặp ai cô bé cũng trưng tiền đô ra khoe và luôn mồm nói: “Giơ tiền Việt ra cứ thấy… mất giá kiểu gì ấy. Thôi cứ tiền đô mà xài ! ”.Cái điệp khúc cũ mèm ấy liên tục được phát ra từ miệng xì tin chưa kiếm ra tiền nhưng xài đô cứ tự nhiên như ai.
Hiếm hoi lắm mới tìm trên người M.Dũng (THPT Đinh Tiên Hoàng) một món đồ được mua bởi tiền Việt mặc dù nó đều được bán tại Việt Nam. Giọng điệu của Dũng thường là “ Mới mua con lap hơn nghìn”, “Mới lấy cái usb 17 đô”, thậm chí có những cái nói luôn tiên Việt cho rồi, cậu cũng phải cố mà “đổi” sang ngoại tệ như “Hôm qua đưa mẹ đi xem guốc, chọn cho mẹ đôi 30 đô đẹp phết !”.
Còn N.Ngọc ( Cầu Gỗ, Hà Nội) lại có kiểu tiêu đô dạng… chắt chít của Công tử Bạc Lliêu. Năm mới vừa rồi, tiểu thư Ngọc thu hoạch tiền mừng tuổi khoảng vài ngàn đô. Được cái, tiểu đại gia này thích oai, không tiếc tiền, trong khi các bạn trong lớp chỉ mừng tuổi nhau lấy hên có 5k, cô bé Ngọc kỷ niệm mỗi bạn hẳn 2 USD. Cái đồng 2 đô nổi tiếng may mắn ấy vốn mua rất khó, thế mà Ngọc có đến cả trăm tờ, vụ mừng tuổi ấy mất khoảng 50 tờ, tính ra hơn một triệu tiền Việt chứ ít ỏi gì.
Trưởng giả học làm… Tây
Gia đình không giàu có lắm nhưng H.Linh (Bà Triệu, HN) vẫn cố đua theo hội quý tử để tiêu đô cho sang. Nhìn bạn bè mỗi lần đi chơi rút đô ra trả oai như…cóc, Linh đã làm đủ mọi cách để cho người khác thấy mình cũng xài đô. Mua được cái áo 300k với mác nhái hàng hiệu, Linh “chém gió” thành 200USD “cho nó oai”. Bạn bè nhìn qua thì tưởng Linh chịu chơi, giàu có lắm.
Chỉ tiêu bằng đô mới là sành điệu? (Hình minh hoạ)
Trung Dũng ( 17 tuổi, Khâm Thiên, Hà Nội) lại cho rằng chỉ có tiền đô mới có giá trị, tiền Việt không đủ để tiêu gì hết (!?). Vì thế, được cho đồng nào là Dũng hớt hơ hớt hải ra hàng vàng đầu phố đổi sang đô. Ít thì đổi đô lẻ, nhiều có khi còn xài cả bảng Anh hay Euro. Đi đâu Dũng cũng cố trưng ra đống ngoại tệ của mình, cho rằng như thế mới là sành điệu. Thậm chí trả tiền trà đá, cậu cũng rút tờ 1 đô, tất nhiên là bà bán trà không những không nhận mà khách ngồi xung quanh đấy đều nhìn Dũng với con mắt khinh khỉnh.
Đỉnh điểm là lần cả lớp đi tham quan, Dũng yêu cầu được góp đô, cả lớp khó chịu lắm nhưng vẫn bỏ qua để mọi người đi chơi vui vẻ. Tới nơi, cậu nằng nặc đòi ở khách sạn nhiều người nước ngoài ở, tính bằng… đô để được phục vụ chu đáo hơn. Sau lần ấy, Dũng bị cả lớp tẩy chay vì thói trưởng giả học làm sang dị hợm.
Ngày nay, điều kiện sung túc nên các “thượng đế nhí” nhà ta đua nhau mua sắm, tiêu dùng đồ ngoại, xài tiền đô… Chả mấy chốc mà teen tự biến mình thành người ngoại quốc mất thôi. Người Việt Nam thì xài tiền Việt, điều đó là hiển nhiên và bắt buộc mà nhiều teen cố tình quên mất. Liệu khi đóng tiền học phí teen có thể giơ tờ Dollar, Bảng, hay Euro ra nộp cho cô giáo không?