Tin tức - pháp luật 2014-01-06 01:08:27

thư pháp sexy là "đỉnh cao hay phản cảm"?.


Đỉnh cao hay phản cảm?

 
Những bức tranh chữ được dân mạng cho là nghệ thuật thư pháp đang gây nhiều tranh cãi - Ảnh: Facebook

Cuối năm 2013, thành viên Ranfơ Đờ Brikaxxa (Trần Ngọc Hưng, làm việc tại Viện ĐH Mở Hà Nội - PV) đã đăng những bức ảnh mừng xuân Giáp Ngọ do chính mình vẽ. Trong đó những chữ: Chúc mừng năm mới, An khang thịnh vượng được tác giả phác thảo khá lạ mắt khi sử dụng tối đa những đường cong, vị trí nhạy cảm trên cơ thể phụ nữ để sáng tạo chữ. Theo Ranfơ Đờ Brikaxxa thì “đây là ý tưởng chợt lóe sáng, là sự sáng tạo”.

Hai “bức thư pháp” này nhanh chóng gây chú ý trên cộng đồng mạng, được thành viên các mạng xã hội, diễn đàn đăng tải và chia sẻ khá nhiều. “Sáng tạo vô cùng. Khả năng mường tượng quá tuyệt vời”, vutienquang viết trên trang techz.vn. Hay tại diễn đàn umtv.biz, thành viên thong_huynh cho rằng: “Rất độc đáo, nhìn thấy lạ lạ, hay hay. Nên khuyến khích sự đột phá về ý tưởng như tác giả này. Nói thiệt là chưa từng thấy bức thư pháp nào đẹp như vậy”… Nhiều bình luận thích thú tương tự dành cho Ranfơ Đờ Brikaxxa. Thậm chí có nhận xét còn cho rằng: “Đây là đỉnh cao của nghệ thuật thư pháp”. Bên cạnh đó, một số thành viên trên nhiều diễn đàn như vietyo.com,  forum.vietdesigner.net… đã lấy ý tưởng trên để vẽ những bức “thư pháp sexy” của riêng họ.

Thế nhưng vẫn có quan điểm ngược lại, những “bức thư pháp” này đã vấp phải sự phản đối, thậm chí chỉ trích của nhiều người. “Thư pháp đẹp nhưng mượn nó để vẽ những hình ảnh thế này thì phản cảm quá”, thành viên Vũ Bình nhận xét trên vitalk.vn. Trên Facebook, Nguyễn Quang bình luận: “Mình chẳng thấy gì là đẹp lạ hay thú vị chỗ nào cả. Chỉ thấy dung tục và quá phản cảm”. Còn Tấn Hoàng thì tỏ vẻ ngạc nhiên: “Đây mà là nghệ thuật thư pháp à? Không phải, đó chỉ là tranh sexy. Đừng mượn nghệ thuật thư pháp mà đặt cho những bức hình này”.

Nhiều ý kiến lo ngại nếu kiểu vẽ này được hưởng ứng và khuyến khích thì sẽ khiến nhiều người có cái nhìn sai về nghệ thuật thư pháp. Nhưng những lập luận này cũng bị phản đối: “Nghệ thuật nói chung và thư pháp nói riêng thì không phải gò bó và không cần giới hạn. Tại sao phải chỉ trích tác giả với những tác phẩm độc đáo này”.

Chỉ là tranh chữ

Đây có phải là nghệ thuật thư pháp như dân mạng tranh cãi hay không? Sau khi xem những bức ảnh trên, thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín, nhà thư pháp nổi tiếng trong làng thư pháp chữ Việt, thẳng thắn nhận định: “Những bức vẽ này là sự cách điệu mang tính vui, và chắc chắc không hẳn là nghệ thuật. Chỉ là một dạng giải trí cho vui, là những bức tranh chữ. Còn nếu nói là nghệ thuật thì đây là hiện tượng ngụy nghệ thuật”. 

Trên nhiều diễn đàn, có cả những tranh luận cho rằng những bức ảnh gây xôn xao này không phải là thư pháp mà là nghệ thuật họa tự, thư họa. Ông Tín hướng dẫn mọi người cách phân biệt: Thư pháp là loại hình nghệ thuật viết chữ và là phương tiện biểu tỏ tâm thức của con người. Thư họa là loại hình kết hợp giữa thư (viết) và họa (vẽ), tức là kết hợp giữa vẽ tranh và viết chữ kèm theo. Còn họa tự được hiểu là thuật vẽ chữ (họa là vẽ, tự là chữ), là cách thể hiện chữ viết bằng một phong cách đặc biệt.

Nhận xét thêm về những bức tranh chữ gây xôn xao này, ông Tín cho rằng ở góc độ văn hóa, đây là điều thể hiện sự linh hoạt của các bạn trẻ tham gia bộ môn nghệ thuật thư pháp. Tuy nhiên, vì linh hoạt quá mức nên dẫn đến sự tùy tiện và làm mất đi vẻ đẹp vốn có của thư pháp Việt.

Ông Tín cũng khuyên những người trẻ có khiếu viết thư pháp cần quan tâm đến nội dung thể hiện mang đến lợi ích gì cho cộng đồng, xã hội thông qua những tác phẩm nghệ thuật. “Vì một lẽ đương nhiên, thư pháp chính là văn dĩ tải đạo, luôn hướng đến những điều tốt đẹp từ nghệ thuật này, đó mới là bản chất đích thực của thư pháp”, nhà thư pháp Hiếu Tín chia sẻ.

 
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)