Cho đến giờ, phần lớn người dân Campuchia, đặc biệt ở khu vực nông thôn, phải trông cậy vào các “bác sĩ” không bằng cấp để chống bệnh tật.
Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2012 khoảng 70% người dân Campuchia tìm đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân, bao gồm các bác sĩ và dược sĩ không bằng cấp hay những thầy lang mà người Campuchia gọi là “khru khmer”.
Vấn đề là chính quyền Phnom Penh vẫn chưa tìm được chính sách thuyết phục những cán bộ y tế được đào tạo bài bản rời khỏi thành phố để làm việc ở những khu vực xa xôi hẻo lánh.
Chỗ dựa cho người nghèo
Ken Mon (55 tuổi) là một trong số hàng trăm “bác sĩ” đó. AFP cho biết cựu quân nhân Khmer Đỏ này cùng một số thầy lang giống ông là chỗ dựa duy nhất cho hàng ngàn người dân nghèo khó của làng Ang Ro Ngeang, cách Phnom Penh khoảng 70km về phía nam.
Tuy không có giấy phép hành nghề và chưa từng qua đào tạo y khoa một cách bài bản, chính quy nhưng thầy lang Mon vẫn luôn sốt sắng và tận tụy giúp đỡ người dân.
“Tôi có các kỹ năng y khoa thông qua… trường đời” - ông Ken Mon nhìn nhận. Thêm vào đó “bác sĩ” Mon cho biết chính quyền cũng chưa bao giờ buộc ông dừng hành nghề y.
Ông Ken Mon làm lính Khmer Đỏ hồi năm 1974. Sau năm 1979, ông Mon cùng một số người lính trốn chạy đến khu Samlot giáp biên giới Thái Lan. Tại đây ông bắt đầu học lóm các kỹ năng y tế từ các bác sĩ Khmer Đỏ. Sau này ông tiếp tục học nghề với những bác sĩ nước ngoài làm việc cho tổ chức Hội Chữ thập đỏ.
Thực tế thì người dân trong làng đều biết rõ chuyện các “bác sĩ” khám chữa bệnh cho họ chưa qua huấn luyện bài bản. “Nhưng chúng tôi tin tưởng ông ấy (Ken Mon).
Ông ấy luôn sử dụng ống tiêm và kim tiêm mới khi chữa bệnh cho người trong gia đình tôi” - bà Uon Sreang, 35 tuổi, cho biết.
Còn một điều nữa họ ít nói ra là họ có thể trả tiền chữa bệnh sau nếu chưa có tiền ngay.
Lắm nỗi lo
Theo WHO, người dân Campuchia phải trông cậy vào các bác sĩ không bằng cấp một phần vì khoảng 43% trong số 11.000 trạm y tế khắp Campuchia không thể đảm bảo đủ các dịch vụ y tế do thiếu hụt bác sĩ, thuốc men hoặc trang thiết bị y tế.
Đối với trường hợp bệnh nặng và bệnh nhi thì lựa chọn duy nhất luôn là một bệnh viện thuộc thành phố.
Trong vụ lây nhiễm HIV tại một ngôi làng hẻo lánh ở phía tây Campuchia, nguyên do là kim tiêm sử dụng nhiều lần cho nhiều người bệnh của “bác sĩ” Yem Chroeum.Sau sự cố xảy ra hồi tháng 11-2014 khiến hàng trăm bệnh nhân bị lây nhiễm HIV, chính quyền mới gia tăng kiểm soát, giúp giảm dần số “bác sĩ” làng quê.
Hơn 200 bệnh nhân đã bị dương tính với HIV và Chroeum hiện đang đối mặt với cáo buộc giết người, cố tình lây nhiễm virút cho nhiều người và điều hành một trạm xá trái phép.
Việc hành nghề của họ “ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và danh tiếng của đất nước” - người đứng đầu bộ phận dịch vụ bệnh viện thuộc Bộ Y tế Campuchia Sok Srun nhận định.
Bên ngoài một bệnh viện nhi ở Phnom Penh, Heng Hen kiên nhẫn chờ đợi với ba người cháu trai bị bệnh sau khi vượt quãng đường xa 80km lúc bình minh. “Bác sĩ ở làng quê không có khả năng chữa bệnh cho trẻ em” - ông Heng chia sẻ.
Ông Heng thừa nhận sau vụ lây nhiễm HIV cho hàng loạt bệnh nhân gần đây, ông cũng suy nghĩ về việc có nên dừng hay tiếp tục chữa bệnh với các bác sĩ không bằng cấp ở quê nhà. “Nhưng chúng tôi không có lựa chọn bởi vì chúng tôi nghèo” - ông Heng than thở.
Không còn cách khác
Ngân hàng Thế giới cho biết Campuchia chỉ có khoảng 0,2 bác sĩ trên 100.000 người, ngang với Afghanistan.
Tương tự, Myanmar cũng chỉ có 0,4 bác sĩ trên 100.000 người, trong khi chỉ số này ở Pháp là 3,2 bác sĩ trên 100.000 người.
Do đó đối với hàng triệu người dân Campuchia, những bác sĩ như ông Ken Mon là lựa chọn rẻ nhất và thường cũng là lựa chọn duy nhất của họ.