" "
(theo TT&VH) - Cách đây ít lâu, người ta đã nhắc đến chuyện “Sex ở Việt Nam thời nhà Hồ - nhà Mạc” – đó là hình vẽ trên một đĩa gốm được sản xuất ở Việt Nam từ thế kỷ 15, tức là cách đây đã hơn 500 năm. Hình vẽ đó thể hiện khá thô vụng một hoạt cảnh đôi trai gái đang làm tình và một người khác đứng ngó. Nhưng không chỉ có vậy…
Hoạt cảnh “nóng”Đó là trang trí trên hiện vật được vớt lên từ con tàu đắm Cù Lao Chàm. TS Nguyễn Đình Chiến, chủ trì cuộc khai quật này cho biết, sau khi chiếc đĩa được vớt lên, vì nó không còn nguyên vẹn (vỡ mất một góc), cho nên ban đầu các nhà khảo cổ cũng không để ý. Nó nằm lẫn trong kho đồ mảnh được giao cho bảo tàng quả lý – kho đồ mảnh đó rất nhiều, chở mấy xe tải mới hết. Đến sau này khi phân loại hiện vật, anh em mới phát hiện ra. TS Chiến khẳng định chiếc đĩa hoa lam này (kích cỡ 12,5x 2cm) là đồ gốm cổ Việt Nam (chứ không phải là đồ gốm của nước ngoài) và có thể nó được làm ra theo một nhu cầu đặt hàng nào đó.
Cảnh “nóng” trong gốm cổ Việt Nam TK 15
Mặc dù giá trị thẩm mỹ của những hình họa này không lớn: người nữ tay chân mất cân đối; người nam ngồi…, nói chung tư thế cũng chẳng… “lãng mạn” tẹo nào. Chắc chắn nó không nhằm phục vụ cho một nhu cầu ăn chơi, hưởng lạc thời cổ; cũng chẳng mang dấu ấn của một tôn giáo hay tín ngưỡng “phồn thực” nào. Nó có vẻ giống như một hoạt cảnh hí lộng được người thợ trang trí gốm vẽ ra trong lúc cao hứng vậy thôi.
Dù là cảnh “lạ kỳ”, nhưng chiếc đĩa này đã được giới thiệu trang trọng trong cuốn Gốm sứ trên 5 con tàu cổ ở vùng biển Việt Nam.
Đến cảnh “tắm tiên”?
Nhưng không chỉ có thế. Bức tranh trên chiếc ang cổ (đáy 12,5cm, cao 22,5cm) này cũng vớt được từ tàu đắm Cù Lao Chàm và khiến các nhà nghiên cứu hết sức thú vị. Đó là một hoạt cảnh đặc sắc: một cô gái tóc dài ngồi bên chum nước. Có thể hình dung là cô gái đang ngồi “tắm tiên” (?). Một một đàn ông bưng quần áo đến cho cô thay, không hiểu đó là người chồng hay người hầu? Lại có một người nữa đứng nấp sau gốc cây, rõ ràng là nhòm trộm, nhưng nhìn kỹ thì giống một cô hầu tinh nghịch hơn là một bậc “tu mi nam tử” nào đó thích rình mò.
Cảnh cô gái tắm bên chum nước
Bức tranh được vẽ trên mặt gốm hoa lam, với những nét vẽ phác qua đơn giản, cho nên rất khó đoán định nội dung: Là một minh họa cho một điển tích cụ thể nào đó (hơi xa xôi quá để liên tưởng tới Truyện Kiều: Buồng the phải buổi thong dong/ Thang lan rủ bức trướng hồng tắm hoa/ Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Đầy đầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên) hay chỉ là một bức vẽ chơi? Ông Chiến cũng nghiêng về khả năng đó là nét vẽ nghịch chơi đầy ngẫu hứng của người họa sỹ vẽ gốm cách đây đã hơn 500 năm.
Những bức tranh gốm 500 năm tuổi
Di sản hội họa (giá vẽ) Việt Nam thời trung đại còn lại không nhiều, chúng ta có thể kể đến các dòng tranh dân gian như: Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, tranh làng Sình… Đặt trong bối cảnh đó thì những bức tranh sinh động vẽ trên gốm cổ được khẳng định là của Việt Nam này là rất đáng chú ý, tiếc rằng chưa có công trình nghiên cứu chuyên biệt nào về chúng.
Khảo sát một loạt đồ gốm cổ Việt Nam trên 5 con tàu đắm, chúng tôi rất bất ngờ trước những tác phẩm hội họa thực sự, có cá tính, có tâm hồn của người vẽ chứ không chỉ đơn thuần là những hình trang trí. Đó là hình ảnh cô gái tóc dài, quần áo là lượt yểu điệu ngồi trước bình hương. Đó là một đạo sĩ râu dài, áo thụng, tay cầm kiếm làm phép. Đó là cảnh nàng tiên cưỡi con thuyền hình cánh sen bay trên trời… Đằng sau nhiều bức vẽ hình như còn có cả ánh mắt nheo cười của người họa sĩ vẽ gốm cách đây 5 thế kỷ, đó là cảnh vịt mò tôm rất dân giã, cảnh một người cưỡi ngựa cầm kiếm nom rất Đông ki sốt…
Cảnh một người cưỡi ngựa cầm kiếm nom rất Đông ki sốt
Một trong những hiện vật được đánh giá cao là một chiếc bình hoa lam lớn, vẽ hình chim, vịt đủ tư thế bao quanh. Quang cảnh sinh động và vui mắt đâu kém gì bức tranh dân gian vẽ trên giấy điệp hay giấy dó?!
Tại sao lại không thể nối những bức tranh gốm lạ kỳ này vào dòng chảy của lịch sử hội họa Việt Nam?
Một số đồ gốm được phát hiện từ chiếc tàu đắm tại Cù Lao Chàm
Hoạt cảnh tiên trên thuyền
Hoạt cảnh chèo thuyền
Hoạt cảnh vịt mò tôm