Tuổi 18 ngày xưa…
Thời ấy, thế hệ chúng tôi được cắp sách đến trường là một hạnh phúc lớn và sự may mắn. Đa phần hoàn cảnh kinh tế khó khăn khi mà rất nhiều gia đình phải chạy ăn từng bữa. May mắn lắm thì không phải đi làm kiếm tiền phụ bố mẹ. Được tập trung học thôi là niềm mơ ước của rất nhiều người. Đa phần ai cũng học hành đàng hoàng, chăm chỉ, thế nhưng con đường vào đại học khó khăn vô cùng…
Mối quan hệ bạn bè trong sáng, thơ ngây và thường chơi với nhau từng nhóm bạn thân cùng giúp nhau học tập. Tình yêu nếu có cũng rất nhẹ nhàng, mộc mạc như chính những tâm hồn thơ trẻ trong một thời gian khó…Không hoa hồng làm say đắm người mình yêu, không những buổi tiệc sang trọng đời thường, không những món quà đắt giá…nhưng vẫn để lại nhiều kỷ niệm…
Những mối tình thời thơ dại mang sắc hồng nhẹ nhàng, trong sáng của những rung động đầu đời, không chút vướng màu vật chất. Nó thật nhẹ nhàng như những cơn gió mát trưa hè, bay bỗng lâng lâng như những đám mây xanh vào một chiều lộng gió, nó ngát xanh một màu xanh hy vọng, nó chỉ có sự ngây ngô, chân thành chứ không có chỗ cho những toan tính như bây giờ…
Thời ấy, những học trò trung học còn ngại ngần không dám nắm tay bạn gái trong những giờ sinh hoạt tập thể của lớp…Nói chung thế hệ chúng tôi thời ấy không có nhiều đặc ân và điều kiện như bây giờ, nhưng vẫn tạo ra được một lớp thế hệ thành đạt và có nhiều cống hiến cho gia đình, xã hội…
***
Tuổi 18 bây giờ…
Tuổi 18 bây giờ hình thể “chuẩn” hơn, đa số cao to hơn thế hệ trước của mình. Họ được hưởng rất nhiều thứ mà ngày xưa thế hệ của tôi có nằm mơ chưa chắc có được. Những chàng trai, cô gái thật sành điệu trong từng nét đi, dáng đứng và phong cách ăn mặc.
Họ có nhiều điều kiện tiếp cận với thế giới bên ngoài thông qua công nghệ thông tin…Chỉ cần một cú nhấp chuột thôi thì họ có thể “cho thế giới biết mình là ai”. Họ có thể hòa nhập với các trào lưu mới trên thế giới rất nhanh. Dạo này có nhiều trào lưu du nhập vào Việt Nam, nào là harujuku, emo, unisex…nhiều bạn trẻ cứ theo đấy mà làm, chẳng cần hiểu rõ thực chất những trào lưu nghĩa là thế nào.
Harujuku thì cứ mặc kỳ quái vào, emo thì lấy dao lam rạch tay xong chụp hình lại đưa lên blog khoe, unisex thì ăn mặc loè loẹt trông cực kỳ phản cảm. Làm như vậy, để chứng tỏ với bạn bè đồng trang lứa mình là người “sành điệu”. Tuổi 18 bây giờ sống vội, sống gấp và “trải đời” nhiều hơn. Họ có thể yêu và biết “chuyện ấy” từ độ tuổi 15. Có lẽ họ bị ảnh hưởng phần nhiều lối sống thực dụng và hưởng thụ nhiều hơn.
Đọc qua blog của một số bạn trẻ tôi như thấy mình quá lạc hậu. Hãy hình dung sau giờ học ở trường giới trẻ làm gì? Những nơi họ đến đa phần đầy rẫy những cạm bẫy. Điều gì sẽ xảy ra sau đêm khi từng nhóm bạn trẻ ăn mặc hở hang, quay cuồng với rượu bia, thuốc lá và ánh chớp của những đèn màu nhảy múa từ các quán bar, vũ trường…
Con đường sa ngã của họ rất gần sau những đêm như thế chứ không chỉ đơn giản là đốt tiền vào những thú vui xa xỉ. Họ có biết rằng đằng sau những âm thanh cuồng loạn, những ánh đèn ma quái, những điếu thuốc, ly rượu, ly bia kia sẽ là sự trượt dài khó cưỡng lại, bởi họ không đủ bản lĩnh để thoát khỏi sự cám dỗ của tiền, thuốc lắc, ma túy…Tuổi 18 bây giờ có quá nhiều thuận lợi để học hành. Thế nhưng, đối với một số bộ phận giới trẻ, giảng đường đại học trở nên xa lạ so với sàn nhảy, quán bar…
Tại sao ngày càng nhiều bạn trẻ có cuộc sống không lành mạnh?
Trước tiên trách nhiệm thuộc về cha mẹ. Có lẽ vì quá bận rộn với mưu sinh, quá lo lắng về vật chất mà họ quên mất con cái là “của để dành”. Chưa quan tâm đến những diễn biến thay đổi tâm sinh lý của tuổi mới lớn, chỉ biết cho con tiền mà không hề biết con mình sử dụng tiền vào mục đích gì. Không góp ý kịp thời về những mối quan hệ bạn bè mà con giao tiếp hàng ngày. Từ đó dễ dẫn đến hiện tượng người trẻ tuổi rủ rê nhau bỏ nhà đi hoang. Nhà trường cũng chưa quan tâm, chú trọng đến việc hướng học sinh cách làm người, kỹ năng sống, kỹ năng vượt qua những thách thức trong đời sống đầy biến động như hôm nay…
Đồng thời, nguyên nhân quan trọng nhất tác động mạnh mẽ tới suy nghĩ, hành động của giới trẻ là bối cảnh xã hội hiện nay. Xã hội ngày càng phát triển, thay đổi thì giá trị cuộc sống cũng thay đổi. Sự thay đổi về giá trị đó sẽ tạo áp lực ghê gớm đối với mọi thành phần trong xã hội, trong đó có một bộ phận giới trẻ, họ dễ dàng bị lối sống vật chất, hưởng thụ và sống vội lôi cuốn, để từ đó cứ dần trượt dài theo những vết đen…
Bên cạnh biết bao những tấm gương hiếu học – vươn lên từ gia cảnh nghèo đói để đến trường, đến lớp, đỗ thủ khoa trong các kỳ thi tốt nghiệp cũng như thi tuyển vào đại học; thật đáng tiếc và đáng trách thay cho những bạn trẻ với những điều kiện quá thuận lợi so với các bạn cùng trang lứa lại không xem việc học là cánh cửa vào đời, mà tự mình lao lên những tàu không bờ bến. Họ tự biến mình thành những con thiêu thân đang đốt cháy tương lai của mình hàng ngày, hàng giờ với những cuộc chơi trụy lạc, phù phiếm…
Hãy sớm kịp tỉnh ngộ để khỏi phải tiếc nuối muộn màng trước khi mọi cánh cửa hy vọng trong cuộc đời đều sẽ khép chặt lại với chính mình… Dừng lại, trước khi quá muộn. Tuổi 18 dấu yêu ơi! 3blingeye3 3blingeye3