Bà mẹ 36 tuổi ở Quảng Châu (Trung Quốc) cho rằng chiếc váy mà bé Mengmeng đòi mua do một thương hiệu đắt tiền sản xuất rất hở hang. Nhưng dường như cô bé không chịu nghe.
Trước khi giam mình trong phòng, Mengmeng còn “đe” mẹ: “Mẹ không có quyền can thiệp vào lựa chọn của con”. Từ trước đến nay, cô bé luôn thuyết phục mẹ mua cho những món đồ như son, sơn móng tay, giầy dép cao gót… bằng cách dọa bỏ ăn.
Tại khu mua sắm Xidan ở thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) có rất nhiều teen đi sắm đồ. (Ảnh: China Daily)
Chỉ thích đồ đắt tiền
Chị Ma đã không thể bảo ban con gái kể từ khi cô bé Mengmeng kiếm được khoản tiền riêng.
Sáu năm trước, Mengmeng kiếm được 300 nhân dân tệ (NDT) khi làm cô bé cầm hoa tại đám cưới của người dì. Khi một công ty dịch vụ đám cưới hỏi vợ chồng chị Ma rằng có thể cho bé Mengmeng xuất hiện ở các đám cưới khác được không, hai vợ chồng chị đã đồng ý vì nghĩ đây là cách tốt để Mengmeng mở rộng tầm nhìn của mình và học cách quản lý tiền.
Trong suốt ba năm liền, Mengmeng dành các ngày cuối tuần và ngày lễ để làm cô bé cầm hoa tại các lễ cưới và kiếm được 4.000 NDT mỗi năm. Mengmeng đã thôi làm công việc này ba năm trước đây nhưng cô bé vẫn dành dụm được một khoản tiền khá so với độ tuổi của mình.
Dù chị Ma và các giáo viên đều nhận thấy Mengmeng trưởng thành và tự tin hơn các bạn học, nhưng có một sự thật là cô bé không còn hài lòng với những món quà đơn giản.
Theo Chinadaily, Mengmeng không phải là đứa trẻ “sành điệu” duy nhất ở Trung Quốc. Mới đây, một giáo viên đại học ở Thượng Hải là bạn chị Ma đã mua chiếc xe Audi A4 trị giá 300.000 NDT. Thế nhưng cậu con trai của chị bạn này (cùng độ tuổi với Mengmeng) vẫn nói như thế là chưa đủ vì bố mẹ các bạn học của cậu đang lái những chiếc xe Limo đắt tiền hơn nhiều.
“Điều gì đang xảy ra với bọn trẻ ngày nay? Tại sao chúng lại khác chúng tôi khi còn nhỏ đến thế?”, chị Ma thở dài.
Tweens Trung Quốc “bắt kịp” tweens thế giới
Hiện nay ở Trung Quốc có vô số các bậc cha mẹ phải đối mặt với tình huống tương tự như chị Ma. Vào ngày Tết thiếu nhi vừa qua, tuần báo Southern Metropolis đã đưa ra loạt bài trong đó có những số liệu giật mình về nhu cầu tiêu thụ của trẻ em Trung Quốc. Hóa ra là các bậc phụ huynh nước này cũng rất sửng sốt khi phát hiện ra rằng con họ chính là người tiêu tiền lớn nhất trong nhà họ. Một số nhà phân tích cho rằng thế hệ “tweens” (trẻ em từ 9-14 tuổi) với những theo đuổi vật chất đã xuất hiện ở Trung Quốc.
Trước đây, vào năm 2003, tác giả người Mỹ Martin Lindstrom đã bàn về nhu cầu tiêu thụ của “tweens” ở khắp thế giới trong cuốn sách “Trong đầu óc của tụi trẻ ngày nay trên toàn cầu: hiểu mối quan hệ của chúng với các thương hiệu”.
Trẻ em ngày càng có quyền trong việc chọn mua sản phẩm. (Ảnh: China Daily)
Dựa vào khảo sát với trẻ em trên 11 nước, tác giả Lindstrom ước tính rằng mặc dù tweens vẫn phụ thuộc vào cha mẹ, nhưng các em đã có cảm nhận độc lập về các giá trị thương hiệu. Tween trên toàn cầu tiêu tới 1 nghìn tỉ USD/năm và ảnh hưởng đến sự lựa chọn của cha mẹ các em trong việc mua sắm 60% những sản phẩm thương hiệu. Tweens ngày nay bị ảnh hưởng nặng nề bởi truyền thông và thu nhận trung bình 40.000 quảng cáo mỗi năm, tức là gần 110 quảng cáo/ngày. Ước tính 25 tỉ USD tiền quảng cáo đã được tiêu thụ nhắm vào các khách hàng nhỏ tuổi.
Khi cuốn sách của Lindstrom được phát hành ở Trung Quốc năm 2004, “tweens” được dịch thành cụm từ có ý nghĩa biểu cảm hơn: “tun shi dai” (Thế hệ ngốn). Nhưng phải mất vài năm thì người Trung Quốc mới phải để tâm đến sự thật này.
Vào năm 2003, rất ít trẻ em Trung Quốc đáp ứng những tiêu chuẩn của “tweens” mà Lindstrom đưa ra xét về tiền tiêu vặt, tiếp cận mạng Internet và các phương tiện truyền thông. Sáu năm qua, mọi thứ đã thay đổi một cách chóng mặt. Khảo sát cho thấy tổng chi tiêu trung bình hàng năm của trẻ em ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và các thành phố lớn đã vượt quá mức 10.000 NDT vài năm trước.
Tweens bị ảnh hưởng bởi bạn bè và thần tượng
Xu Qingliang, biên tập viên tờ Southern Metropolis, cho rằng có nhiều lý do khiến chi tiêu của twees Trung Quốc gia tăng.
Hầu hết các gia đình Trung Quốc đều có con một trong lứa tuổi tweens và chính những bậc cha mẹ này cũng là con một. Vì vậy, các cha mẹ này cho phép con mua bất cứ thứ gì chúng thích miễn là yêu cầu của chúng hợp lý.
Trong khi đó, trẻ con luôn tò mò về những điều mới lạ mà các nhà sản xuất thì tung ra những chiến lược quảng cáo để thu hút trẻ em các lứa tuổi. Khi trẻ đến độ tuổi học mẫu giáo, chúng có xu hướng lựa chọn sản phẩm dựa theo trào lưu của các bạn học. Đến khi lên 10 tuổi, trẻ đã hình thành những nhu cầu cá nhân và thói quen tiêu thụ riêng, một số trẻ thậm chí chỉ mua những sản phẩm của thương hiệu nhất định. Các em có quyền hơn trong việc quyết định sản phẩm khi lớn lên và ý kiến của cha mẹ không sánh với một nụ cười của thần tượng.
Qua nghiên cứu sự tiêu thụ của trẻ, Tiến sĩ Hu Xiaohong ở Trường Đại học Ngoại ngữ Quảng Đông cho biết gia đình có ảnh hưởng chính khi trẻ từ 7-11 tuổi. Từ 11-14 tuổi, trẻ ngày càng bị ảnh hưởng bởi bạn cùng độ tuổi.