Nhiều khách giật mình khi chủ quán hét giá gần 100.000 đồng cho đĩa cơm sườn cùng ly cà phê đá trên đường từ miền Tây lên Sài Gòn làm việc sau Tết.
Sau Tết Nguyên Đán, hàng chục nghìn người ở các tỉnh miền Tây đổ về TP HCM học tập, làm việc bằng xe máy khiến quốc lộ 1A luôn đông đúc. Những người chọn xe máy làm phương tiện đi Sài Gòn chủ yếu từ các tỉnh, thành như Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An.
Những người di chuyển xa mệt mỏi có thể vào những quán cơm, cà phê võng ven quốc lộ để ăn uống, nghỉ ngơi lấy lại sức tiếp tục hành trình.
Nhân cơ hội, một số quán viện lý do "Tết mà" để "chặt chém" người đi đường với giá rất cao. Sáng mùng 5 Tết, chị Nguyễn Thị Trúc cùng anh trai di chuyển bằng xe máy từ Cà Mau lên TP HCM theo đường Quản Lộ Phụng Hiệp (nối các tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng - Hậu Giang).
Khi đến địa phận thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), cả 2 ghé vào một quán võng ven đường ăn uống, nghỉ ngơi. Chị Trúc kêu 2 đĩa cơm sườn và 2 ly nước mía. Khi tính tiền, chủ quán hét giá 100.000 đồng, trong đó 2 đĩa cơm 70.000 đồng, 2 ly nước mía 30.000 đồng. Theo chị này, ngày thường đĩa cơm khoảng 20.000 đồng, ly nước mía 5.000 đồng.
Những quán võng ven quốc lộ đoạn qua các tỉnh miền Tây là điểm dừng chân ăn uống, nghỉ ngơi dành cho người đi xa bằng xe máy. |
"Tôi hỏi sao mắc như vậy thì người thu tiền nói 'Tết mà em', qua khỏi mùng 10 mới bán giá bình thường được", chị Trúc kể và cho biết quán này khá đông vì nằm ngay mặt đường, đầu địa phận thị xã Ngã Bảy nên có rất đông khách ghé vào.
Khi đến xã Phú An, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), 2 người lại vào một quán võng nằm cạnh quốc lộ. Cả hai chỉ kêu đĩa cơm, ly cà phê đá cùng 2 khăn lạnh rồi nghỉ ngơi khoảng 60 phút.
Một người phụ nữ đến tính tiền khách hàng 100.000 đồng cho các món đã gọi. Khi chị thắc mắc thì người này nói giá do chủ quán quyết định, không thay đổi được.
"Tôi thấy nhiều người cũng bị 'chém' như vậy. Những ai đi xe máy, đồ đạc lỉnh kỉnh như tôi thì bị hét giá trên trời, còn người dân địa phương chỉ phải trả 10.000 đồng cho ly cà phê đá", chị Trúc phàn nàn.
Chiều mùng 7 Tết, phóng viên có mặt tại quán võng ở xã Phú An, huyện Cai Lậy mà chị Trúc phản ánh. Chúng tôi gọi một đĩa cơm sườn, ly cà phê đá cùng khăn lạnh. Đĩa cơm chỉ có 2 miếng thịt khá mỏng, trứng chiên cùng vài cọng đậu đũa.
Sau đó, người phụ nữ đến tính 95.000 đồng cho phần cơm nước. Cụ thể, đĩa cơm giá 60.000 đồng, ly cà phê đá 30.000 đồng và khăn lạnh 5.000 đồng.
Đĩa cơm và ly cà phê đá giá 100.000 đồng. |
Phóng viên thắc mắc tại sao giá đĩa cơm ngày thường chỉ 20.000 - 25.000 đồng, bây giờ lại cao như vậy thì người này nói: "Giá vậy là… ổn định trong ngày Tết mà em, một năm được mấy ngày làm ăn, ai cũng vậy chứ đâu chỉ quán này".
Chúng tôi nói ly cà phê đá ở các quán xung quanh chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng, tại sao ở đây 30.000 đồng thì người phụ nữ trên nói mình chỉ là người làm công, giá do chủ quyết định, nhưng giờ chủ đi vắng.
Theo khảo sát các quán võng từ huyện Cai Lậy, Châu Thành (Tiền Giang); Bến Lức, Tân An (Long An) nhiều nơi không niêm yết giá cụ thể. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thì tất cả đều tăng giá cơm từ 10.000 - 30.000 đồng/đĩa, nước uống tăng đến 15.000 - 20.000 đồng tùy loại.