Thoát vị đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm bị chuyển dịch khỏi vị trí của đốt sống do đĩa đệm bị nứt rách, nhân nhầy bị thoát vị và gây chèn ép lên tủy sống hay các rễ thần kinh. Bất kỳ đoạn cột sống nào cũng có thể bị thoát vị đĩa đệm nhưng phổ biến nhất vẫn là thoát vị cột sống cổ và cột sống thắt lưng.
Các nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm thường gặp là:
– Thoái hóa đĩa đệm do tuổi tác. Lúc này, đĩa đệm dần bị mất nước và trở nên khô xơ, dễ bị xẹp lún hoặc nứt rách khi chịu lực tác động, dù là nhẹ.
– Chấn thương cột sống trong quá trình lao động và sinh hoạt khiến cột sống bị suy yếu.
– Những người lao động quá sức, mang vác vật nặng hay phụ nữ mang thai thường khiến cột sống phải chịu một lực quá tải và dễ dẫn đến thoát vị đĩa đệm.
– Cấu trúc đĩa đệm và cột sống bị suy yếu do di truyền từ ông bà hay cha mẹ có tiền sử mắc bệnh thoát vị đĩa đệm.
Dấu hiệu nhận biết bệnh thoát vị đĩa đệm
Hai vị trí thoát vị đĩa đệm thường gặp là ở cột sống cổ và cột sống thắt lưng. Đối với thoát vị đĩa đệm ở cột sống cổ, bệnh nhân thấy đau cổ vai gáy, nếu có chèn ép rễ thần kinh sẽ đau lan xuống cả cánh tay bên bị chèn ép. Trong trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có chèn ép rễ dây thần kinh tọa thì ngoài bị đau ở vùng thắt lưng, bệnh nhân còn bị đau lan xuống chân, nặng sẽ gây tê liệt và hạn chế vận động.
Thông thường, các cơn đau thoát vị đĩa đệm có thể âm ỉ hoặc dữ dội, xuất hiện khi người bệnh cúi người, ho hoặc hắt hơi. Đau mạnh khi ngồi lâu, đứng lâu hay nằm sấp… Nhiều trường hợp khó nhận biết thoát vị đĩa đệm nếu khối thoát vị không chèn ép lên rễ thần dây thần kinh và không gây các triệu chứng đau nhức.
Hiện nay, bệnh thoát vị đĩa đệm có thể được điều trị hiệu quả dứt điểm nếu bệnh nhân phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Vì vậy, khi nhận thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân cần nhanh chóng đi khám để được các bác sĩ chẩn đoán cụ thể và tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả.
Nguồn: http://nhathuocnghiahung.com/benh-thoat-vi-dia-dem-la-gi-detail.htm