Tin tức - pháp luật 2013-04-29 00:03:44

(kisu)Cô giáo hơn 40 năm 'thủ tiết' chờ người yêu vì một lời thề


[size=6]Đúng ngày anh cắt phép về để hai người chuẩn bị cho lễ cưới thì giặc Mỹ ném bom trúng đơn vị. Nghe tin anh hy sinh, cô ngất đi và phải một thời gian dài mới lấy lại được tinh thần.[/size]
Và hơn 40 năm sau ngày anh ra đi, cô vẫn thủ tiết, xem mình là đã  người có chồng, ở vậy lập bàn thờ lo hương khói hàng ngày cho người yêu.
Câu chuyện tình cảm động mà chúng tôi vừa nhắc tới đó là tình yêu giữa cô giáolàng Hoàng Thị Trinh và liệt sỹ Hồ Đức Tín, đều trú tại xã Nam Cát, huyện Nam Đàn, Nghệ An.
Tình yêu qua những cánh thư
Ngôi nhà của cô giáo làng Hoàng Thị Trinh nằm ngay bên mặt đường, phía trước là quầy tạp hóa bày bán đủ các mặt hàng thiết yếu. Bước chân tập tễnh của cô ra mời chúng tôi vào nhà, rót nước mời khách rồi quay lại thắp nén nhang cho “chồng”. Trong làn khói hương mờ ảo, cô Trinh từ từ hồi tưởng lại chuyện tình yêu của hai người từ khi quen nhau.
Hơn 40 năm qua, cô Hoàng Thị Trinh vẫn một mình "chăn đơn gối chiếc" thờ phụng, lo hương khói cho người" chồng" chưa một lần cưới xin.
Cô Trinh và anh Tín đều sinh ra ở miền quê nghèo lam lũ xã Nam Cát, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Không may bị dị tật từ nhỏ, một bên bàn chân của Trinh không thể cử động và đi lại bình thường được. Tuy vậy Trinh vẫn là một cô gái khiến nhiều chàng trai trong vùng mê mẩn, thầm yêu trộm nhớ, trong đó có anh.
Lớn lên, Hoàng Thị Trinh đi học rồi ra trường trở thành cô giáo làng dạy học cho các em nhỏ. Dù “tình trong như đã” nhưng giữa Trinh và Tín lúc đó do ngại ngùng, e thẹn nên chẳng ai dám ngỏ lời. Tình yêu cứ thế nhen nhóm dần trong hai trái tim dù chưa một lần nói ra.
Rồi một ngày tháng 2/1965, anh lên đường nhập ngũ đi theo tiếng gọi của non sông, gác bút nghiên trở thành người lính báo vụ, phụ trách Đài vô tuyến 15W ở Khu trung tâm tiền phương chiến trường Hướng Hóa, Quảng Trị. Khoảng cách địa lý giữa hai người được nối gần qua những cánh thư.
Sau mỗi lần hành quân hay chiến thắng giặc, anh Tín đều viết thư về cho cô. Nhữngcánh thư xa gói trọn niềm nhung nhớ nơi chiến trường gửi lại. Cô giáo trường làng cũng đáp trả bằng những lời động viên, chia sẻ, nặng nghĩa tình. Cứ thế, tình cảm của họ lớn dần qua từng trang giấy.
Hàng ngày cô giáo làng vẫn lên lớp đều đặn, còn chàng ở tiền tuyến cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tất nhiên những cánh thư gửi gắm tình yêu vào đó là không thể thiếu, anh vẫn dành trọn niềm thương nhớ cho người con gái chốn quê nhà.
Đến năm 1969, trong một chuyến công tác qua vùng Nghệ An của đơn vị, anh Tín được cho phép về thăm nhà 3 ngày. Ngày anh về cũng là ngày chị được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Họ chỉ có một ngày chủ nhật cùng nhau đi chơi quanh xóm.
Mỗi lần nhớ tới người chồng liệt sỹ Hồ Đức Tín, bà Trinh lại lấy ảnh của anh ra ngắm.
Trưa đó, anh rủ cô qua nhà mình chơi và giữ lại ăn cùng gia đình một bữa cơm đạm bạc. Rồi sáng hôm sau, cô trở lên trường, còn anh lại vào đơn vị. Chẳng nói chuyện được nhiều, anh lại mượn giấy bút bày tỏ nỗi niềm gửi lại.
Và cứ như thế, suốt thời gian xa nhau họ dành cho nhau tình yêu trong đợi chờ, nhung nhớ, trong bom đạn của chiến tranh. Dù không gặp nhau nhưng tình yêu của họ vẫn đong đầy qua những cánh thư gửi trọn tình yêu vào trong đó.
Hạnh phúc dang dở và lời thề trọn đời không phai  
Suốt một thời gian dài yêu nhau qua thư, tình cảm của cô giáo làng tên Trinh và chiến sĩ Hồ Đức Tín ngày càng thắt chặt, hai bên nguyện thề ước chờ ngày hoà bình để được ở bên nhau trọn đời.
“Anh ấy quan tâm tôi từ những điều nhỏ nhặt nhất. Bạn bè anh kể lại, công việc của anh thường xuyên phải trực ở đơn vị, nên mỗi lần có người ra ngoài anh đều gửi tiền cho họ mua về khi cuộn chỉ, khi thì tấm vải… để tự tay mình làm thành những món quà gửi về cho tôi. Mỗi lần gửi thư anh đều gửi kèm theo vài ba cái tem và đôi tờ giấy trắng để tôi đỡ tốn tiền và đỡ mất công”, cô Trinh nhớ lại những ngày hạnh phúc.
Tháng 4/1971, nhân chuyến công tác của người đồng đội Vũ Quang Cảnh, anh Tín đã nhờ bạn mang về món quà chiến trường cho người yêu: một bức thư, một tấm vải dù, một gói đường mơ, một tấm huân chương chiến công hạng ba.
Nhận được thư anh trong giờ lên lớp, nhưng cô không giấu nổi niềm vui và hồi hộp nên bóc ngay ra đọc. Trong bức thư ấy, anh viết: "Tháng 5 hoặc tháng 6 anh được nghỉ phép. Nếu về được chúng ta cưới nhé? Anh cũng xin phép được bỏ qua những thủ tục dạm ngõ, bỏ trầu, ăn hỏi vì thời gian của người lính rất gấp gáp, ngắn ngủi. Hiểu và thông cảm cho anh em nhé! Anh cũng không quên dặn “thầy, mẹ chuẩn bị cho con một con lợn và gạo nếp để con cưới Trinh”".
Từ ngày hôm đó, trái tim cô giáo làng như nở hoa đợi chờ, phấp phỏng. Còn chàng thì miệt mài ngày đêm tỉ mỉ với từng đường kim, mũi chỉ, dốc hết tâm huyết và tình yêu thương để chính tay mình thêu đôi gối hạnh phúc cho đám cưới. Anh đã chuẩn bị đầy đủ cho cô dâu những đồ dùng cần thiết như: nón, dép, khăn, áo… chỉ chờ ngày đón cô về xây tổ ấm.
Cứ tưởng mọi nguyện sẽ an bài theo kế hoạch đã định sẵn, nào ngờ ông trời cũng khéo trêu ngươi. Đúng vào ngày 30/4/1971, anh Tín lên báo cáo với chỉ huy xin cắt phép để về quê cưới vợ và tối ngày 1/5 sau bữa cơm chiều để chia tay đồng đội trở về quê thì đơn vị anh Tín bị bom Mỹ đánh trúng. Rồi sau đó mọi người bàng hoàng khi phát hiện anh Tín và hai đồng đội khác hy sinh.
Hàng ngày bà Trinh vẫn hương khói đều đặn cho người "chồng" đã hy sinh của mình.
Ở nơi hậu phương quê nhà cô Trinh cứ mong mỏi chờ anh về. Hết tháng 5 rồi tháng 6 trôi qua mà không thấy anh trở về như đã hứa trong thư, tin tức cũng bặt vô âm tín. Linh cảm của người phụ nữ cho biết có chuyện chẳng lành xảy ra, Trinh sống trong phấp phỏng, lo âu đợi chờ. Mãi đến đầu tháng 9 năm đó người đồng đội của anh Tín mới dám viết thư báo tin buồn cho cô biết.
Cầm lá thư trên tay khi đang đứng lớp, cô Trinh vội vàng mở ra đọc và rồi ngất đi không biết gì nữa. Những tháng ngày sau đó, cô sống trong buồn tủi, cô đơn, nỗi nhớ nhung người yêu đã thề non hẹn biển. Nước mắt cạn dần sau bao đêm thức trắng, cô gầy rộc đi với nỗi khắc khoải về anh.
Tuổi thanh xuân cứ lặng lẽ trôi trong nỗi đau của hạnh phúc dở dang. Từng trang nhật ký vẫn được cô đều đặn viết cho anh như thể anh còn sống, còn hiện diện, như thể sẽ có ngày anh trở về bên cô:
Vần thơ vĩnh biệt Tín anh ơi.
Mắt ngấn lưng tròng lệ tuôn rơi.
Trong thơ em nấc thời gian nấc.
Nghẹn ngào cho cảnh nước mắt rơi.
Cô cất giữ thư từ của anh như những báu vật của một miền ký ức của riêng hai người. Rồi lòng tự nhủ lòng, phải vững tâm lên để sống, để làm việc, để có thể ngẩng cao đầu mỗi khi sang ngôi nhà nơi đã từng có hình bóng anh, nơi mà anh đã ước ao rằng cô sẽ là một người con dâu tốt.
Và rồi thời gian trôi đi theo năm tháng, cô giáo làng ngày xưa giờ đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy, đầu điểm hai thứ tóc trở thành bà Trinh. Điều đáng nói là sau khi anh Tín hi sinh, bà Trinh vẫn một mình chăn đơn gối chiếc, lặng lẽ sống cùng mấy đưa cháu.
Cũng vì không thể quên đi lời hẹn ước, trong suy nghĩ luôn hướng về mối tình đầu và duy nhất nên sau ngày anh Tín hi sinh, cô Trinh đã sang xin phép bố mẹ, người thân của anh nhận cô làm con dâu đồng thời xin đưa ảnh anh về lập bàn thờ hằng ngày lo hương khói cho anh.  Mặc dù thời gian đã nhiều năm trôi qua nhưng bà Trinh vẫn không nguôi nhớ về người “chồng” của mình, suốt những năm tháng qua bà vẫn ở vậy thờ “chồng” dù chưa một lần được nằm kề bên nhau.
“Anh ấy ngã xuống khi cái ngày hạnh phúc đơm hoa kết trái đang đến gần, khi biết mình sắp với tay chạm vào hạnh phúc. Cả đời này tôi là vợ anh ấy, là người phụ nữ của riêng anh ấy”, bà chia sẻ.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)