Nghệ thuật - blog 2008-08-15 14:31:27

Vu Lan - Ngày chúng mình báo hiếu mẹ cha



Rằm tháng 7 - ngày lễ Vu Lan. Người trẻ cũng có thêm một ngày để thể hiện lòng hiếu nghĩa với các bậc sinh thành.

Ngày báo hiếu

Theo tín ngưỡng truyền thống của người Việt thì rằm tháng Bảy là ngày các tội nhân ở cõi âm được tha tội bởi vậy, các gia đình ở dương gian bày mâm cúng gia tiên, đốt vàng mã và cầu cúng tụng kinh độ trì cho họ. Phật tử và khách thập phương đến chùa để tưởng nhớ, tôn vinh công sinh thành dưỡng dục, cầu nguyện cho cha mẹ, cho vong hồn người thân và các “cô hồn thập phương” được siêu thoát.
Nhiều bạn trẻ cũng nhân dịp này mang lại niềm vui cho bố mẹ. “Cả năm được rằm tháng Bảy, nên dù đi đâu, làm gì mình cũng cố gắng trở về nhà trong ngày này. Bố mẹ về quê vào ngày 14, ngày 15 là ngày cả nhà mình đoàn tụ. Trong ngày lễ, mình thường tặng quà cho bố mẹ để tỏ lòng biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục. Quà tặng thì không cần cao sang gì, quần áo, các loại bánh, trái cây… cả nhà ngồi quây quần bên mâm cỗ, thế là vui rồi”, Tuấn Anh – Cầu Giấy tâm sự.
Người nào có điều kiện hơn thì dành cho cha mẹ món quà bất ngờ và độc đáo hơn như những "tour báo hiếu" mà các công ty du lịch tổ chức để đưa cha mẹ đi tham quan, nghỉ dưỡng, vãn cảnh chùa. Họ quan niệm, cả năm có mỗi một ngày, làm điều gì đó để bố mẹ vui là điều quan trọng, không nhất thiết cứ phải theo tập tục truyền thống sum vầy trong gia đình.
Mùa lễ Vu Lan, các teen còn đầu tư gần cả tháng trời để tự tay làm những món quà đáng yêu dành cho đấng sinh thành. Minh Hương đang học lớp 12, dù bận rộn với công việc của một học sinh cuối cấp với những lo toan thi cử, cô vẫn dành những khoảng thời gian rảnh rỗi đi… phát tờ rơi, tích cóp để có được một món tiền tự tay làm ra và mua quà cho mẹ.
“Bố mình mất sớm, cứ đến ngày lễ Vu Lan là mẹ con mình ra nghĩa trang viếng bố. Sau đó mình chở mẹ ra chùa Quán Sứ thắp hương, cúng cô hồn, cầu an. Dù đang phải đi học, mình vẫn cố gắng để luôn luôn… rảnh rỗi trong ngày này. Khi thấy những món quà dù rất nhỏ nhưng mẹ biết là mình tự cố gắng để có được, mẹ rất vui”, Hương nói.
Đối với người xa xứ, ẩn chứa trong nỗi nhớ quê nhà bao giờ cũng là nỗi nhớ người thân, nhớ cha, nhớ mẹ. Nhiều người còn đang đi du học, ở xa quê hương nhưng trong ngày này vẫn tìm cách liên lạc với gia đình. “Bên Nga, người Việt bọn mình cứ tới rằm tháng Bảy lại tụ tập nhau để nguôi đi nỗi nhớ gia đình, nhớ và thương ba mẹ ở quê nhiều lắm”, Khắc Hiếu, sinh viên du học ở Nga tâm sự.
Ăn chay ngày rằm

Tháng Bảy là tháng mà mọi người thường ăn chay để tích đức cho cả năm. Các teen cũng vì thế mà không bỏ lỡ cơ hội… “tu nhân tích đức”.
Tại các khu vực gần các Chùa, trong siêu thị… các món chay trong ngày này vô cùng phong phú được bày bán. “Rằm tháng bảy năm nào cũng có bọn trẻ tới đây mua đồ chay. Mỗi năm lượng khách hàng này càng tăng lên. Họ mua nhiều thứ, nhất là những đồ chay được chế biến cầu kỳ, đẹp mắt, như các món ăn mặn trong bữa cơm hàng ngày.” Bà Vân bán đồ chay tại chợ Kim Liên cho biết.
“Thú vị nhất là ăn chay nhưng cứ như… không phải chay. Có đủ các loại từ giò chả, tôm, cuốn diếp, gỏi bò…. đủ loại thức ăn ba miền. Hương vị của món chay lại… y như món mặn. Nhà tớ thỉnh thoảng vẫn hay mua món chay về làm bữa ăn bình thường, nhưng rằm tháng Bảy thì thịnh soạn hơn, có nhiều món hơn.”, Phương Linh – Hai Bà Trưng hồ hởi.
Trong khi ấy, những bữa cơm chay của gia đình trong các ngày mười bốn và ngày rằm cũng là dịp để cả nhà đoàn tụ, chúc thọ mẹ cha.
Rủ nhau lên chùa
Các bạn sinh viên ở xa nhà trong mùa lễ Vu Lan ngoài việc gọi điện, viết thư thăm hỏi bố mẹ còn có thêm thú vui trong mùa báo hiếu: Lên chùa! Hà Nội là nơi có rất nhiều các ngôi chùa: Chùa Hà, Chùa Quán sứ, Phủ Tây Hồ,… những ngày này đông nghẹt khách đến thăm viếng. Cảnh các nam thanh nữ tú rủ nhau đi chùa trong những ngày này không còn là chuyện lạ.
“Đi học xa quá, không thể về nhà trong ngày này nên tớ vào chùa để có thêm… tinh thần ngày lễ Vu Lan. Thường thì tớ cầu cho cha mẹ mạnh khỏe, bình an, cầu cho các vong hồn được xá tội, và cầu xin được xá tội cho cả… chính mình nữa”, Mai Anh tâm sự.
Đúng ngày rằm tháng Bảy, những ai đến viếng chùa còn được gắn một bông hồng, bông hồng màu đỏ thắm gắn cho ai còn đủ cả mẹ cha; bông hồng màu hồng gắn cho những người chỉ còn cha hoặc mẹ; những ai đã mất cả cha lẫn mẹ thì gắn bông hồng trắng. Đây là một phong tục rất đẹp có nguồn gốc từ Nhật Bản, đã du nhập vào nhiều nước châu Á trong đó có Việt Nam.

Một bông hồng đỏ thắm để nhắc chúng ta rằng những ngày Vu Lan đẹp nhất, chính là những ngày ta được sống bên mẹ, bên cha, bên những người thân yêu nhất của mình.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)