Games 2015-03-09 15:05:33

Maxis và 28 năm thăng trầm cùng The Sims


Anh Minh | PC - Console | 07-03-2015 09:20

Hãng cùng chúng tôi nhìn lại chặng đường 28 năm phát triển của hãng Maxis, cha đẻ của series danh tiếng The Sims.

Như các bạn đã biết, hãng EA đã chính thức tuyên bố đóng cửa  Maxis – nhà sản xuất của rất nhiều series danh tiếng như SimCity và The Sims. Cái kết buồn này của họ là điều mà không một fan hâm mộ The Sims nào dám nghĩ đến. Nhân sự kiện đặc biệt này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu lại lịch sử của nhà phát triển tài năng này và cùng tìm hiểu xem nguyên nhân nào đã dẫn đến sự ra đi của họ.


Maxis, hay lúc bấy giờ được biết đến với cái tên Maxis Software là một hãng phát triển game độc lập do Will Wright và Jeff Braun thành lập vào đầu năm 1987. Sản phẩm đầu tiên của họ, không gì khác chính là tựa game SimCity do Will Wright tự phát triển. Sản phẩm này lúc đầu chỉ được phát hành hạn chế trên hệ máy tính Commodore 64 nhưng sau đó đã được tái bản liên tục trên nhiều hệ máy khác nhau và trở thành một thành công ngoài mong đợi của Maxis.

Lý giải cho thành công này, nhiều người cho rằng đó là do cơ chế gameplay độc nhất vô nhị mà game đem lại cho người chơi. Trong SimCity, Maxis đã hoàn toàn loại bỏ cơ chế thắng – thua thường thấy trong video game lúc bấy giờ. Game cho phép người chơi tự mình xây dựng và phát triển một thành phố theo ý muốn, mang lại sự tự do chưa từng thấy trước đây trong video game.



Một điểm nữa cần nói thêm là vào cuối những năm 80, thị trường game chưa thực sự lớn mạnh và còn thiếu khá nhiều quy chuẩn. Những khái niệm như FPS, RTS… chưa hề xuất hiện. Sự ra mắt của SimCity, một tựa game đặc biệt, chưa từng có tiền lệ trước kia khiến người ta phải bắt đầu tiến hành phân định thể loại cho video game. Tuy vậy sau này vẫn có khá nhiều người nhầm lẫn giữa thể loại Simulation (game mô phỏng) với các God game.

Nhận ra tiềm năng của thể loại game mới, Maxis đã cho ra mắt hàng loạt phụ bản ăn theo sản phẩm này điển hình như SimAnt, SimFarm, SimEarth, SimLife, SimTower, SimIsle và SimHealth. Tuy nhiên không có sản phẩm nào trong số đó vượt qua được cái bóng của series SimCity. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi cho đến khi tựa game The Sims đầu tiên ra đời vào năm 2000.



Có thể bạn không biết nhưng nguyên nhân cho sự ra đời của The Sims có một phần không nhỏ là nhờ vào đại gia EA. Sau khi mua lại và tạo điều kiện cho Maxis hoàn thành phiên bản SimCity 3000, phía EA đã yêu cầu hãng này phải tạo ra một thương hiệu game hoàn toàn mới cho mình. Với sự đầu tư từ EA, Will Wright và các đồng nghiệp chấp nhận mạo hiểm và tạo ra một tựa game mới mà ông đặt tên là The Sims.

Vận may một lần nữa mỉm cười với  Maxis, The Sims bắn đắt như tôm tươi và trở thành động lực để họ và EA cho ra mắt 7 bản mở rộng cùng nhiều phiên bản khác nhau của game. Đến đầu năm 2002, The Sims đã bán ra được hơn 11,3 triệu bản và trở thành một trong những tựa game PC bán chạy nhất trong lịch sử ngành công nghiệp game. Tựa game này cũng đưa hoạt động kinh doanh của EA lên một tầm cao mới và tất nhiên kèm theo đó là danh tiếng của Maxis trong giới làm game.




Thừa thắng xông lên, Maxis tiếp tục phát hành một số phiên bản SimCity mới cũng như phần thứ 2 của The Sims. Với hàng loạt cải tiến đáng giá như cơ chế đồ họa, hệ thống vật phẩm, nghề nghiệp độc đáo… The Sims 2 trở thành người thừa kế xứng đáng cho cả series. Sau những thành công đó, EA thúc đẩy mạnh hơn tầm ảnh hưởng của series này bằng cách thành lập The Sims Studio – một hệ thống bao gồm nhiều studio khác nhau chỉ chuyên phát triển nội dung cho series The Sims và do Maxis đứng đầu.



Dưới sự dẫn dắt của Maxis, The Sims Studio cho ra đời The Sims 3 (2009). Game nhanh chóng bán được hơn 1,4 triệu bản trong tuần đầu tiên ra mắt và ẵm về danh hiệu tựa game PC có màn ra mắt ấn tượng nhất trong lịch sử. Tuy nhiên với sự lãnh đạo của EA, người ta bắt đầu nhận ra có cái gì đó không ổn với series này. Với 11 bản mở rộng, 9 gói vật phẩm tải về cùng hằng hà sa số các vật phẩm cho phép người chơi đặt mua qua hệ thống cửa hàng Online, The Sims 3 nhanh chóng được xem như một sản phẩm hút máu kinh khủng (và tất nhiên là cũng hiệu quả) nhất thời bấy giờ.

Tuy vậy mọi chuyện thực sự chỉ chuyển sang chiều hướng xấu khi họ phát hành tựa game SimCity (2013) – một phiên bản làm lại của SimCity năm 1987. Dù được nhận được nhiều lời khen ngợi trước khi phát hành nhưng game nhanh chóng khiến nhiều người thất vọng khi bắt buộc người chơi phải đăng nhập Internet 24/24 để trải nghiệm game. Đó là chưa kể đến chất lượng dịch vụ mạng mà EA cung cấp quá tệ dẫn đến tình trạng sập server và không thể đăng nhập game trong suốt nhiều tuần sau đó.

SimCity nhanh chóng chịu không biết bao nhiêu gạch đá từ giới chuyên môn và cả các fan lâu năm. Điển hình như trang tin uy tín Polygon đang cho 9,5 điểm khi mới ra mắt, sau đó đánh tụt xuống 8/10 và cuối cùng là 4/10. Hãng EA sau đó đã cố gắng khắc phục hậu quả bằng cách bổ sung chế độ chơi Singleplayer (Không yêu cầu kết nối mạng) nhưng cũng chẳng thử cứu vãn nổi thất bại của game.

Xem thêm

Series The Sims đứng trước nguy cơ bị khai tử "Nếu The Sims 4 không thành công thì gamer cũng đừng hy vọng còn được chơi The Sims 5 " đó là lời thông báo đến từ hãng EA.

Đây cũng không phải lần đầu tiên EA và Maxis vướng vào những rắc rối như vậy. Trước đó vào năm 2008 trong đợt phát hành tựa game Spore, họ cũng đã gây rất nhiều tranh cãi với hệ thống DMR  SecuROM. Hệ thống DMR này được EA bí mật thêm vào tựa game Spore và tiếp tục tồn tại trong máy tính ngay cả khi người chơi đã xóa bỏ game. Theo nhiều ghi nhận thì SecuROM gây ảnh hưởng việc vận hành của máy tính, đồng thời giới hạn số lần cài đặt và chia sẻ game của bạn. Việc này khiến game liên tục bị bẻ khóa và phát tán trên mạng, biến Spore trở thành tựa game bị tải lậu nhiều nhất trong năm đó và ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của game.

Hai lần thất bại liên tiếp khiến Maxis dồn toàn lực cho tựa game The Sims 4. Dù được quảng cáo khá nhiều nhưng khi ra mắt vào năm 2014 game không thực sự thu được nhiều thành công (và tiền) như EA mong muốn. Phải công nhận  The Sims 4 không phải là một sản phẩm tệ những game bị cắt bỏ quá nhiều chi tiết và bạn bắt buộc phải bỏ thêm tiền vào các gói DLC để sở hữu chúng. Điều này khiến các fan của series này vô cùng tức giận. Cộng thêm vào đó là danh tiếng chẳng lấy gì làm tốt đẹp của EA trong vài năm trở lại đây càng khiến tựa game này chịu thêm sự ghẻ lạnh từ người chơi.

Sau ba lần phát hành với doanh thu không như mong đợi, cùng rất dễ hiểu khi ngày 05/03 vừa qua hãng EA đã tuyên bố đóng cửa Maxis bất chấp việc đây là một trong những công thần đầu tiên giúp hình thành nên đế chế EA. Một điểm đáng buồn ở đây đó là những sản phẩm của Maxis không hề tệ chút nào, thất bại của chúng hoàn toàn đến từ chính sách kinh doanh sai lầm của EA trong suốt những năm qua. Đại gia này dù có công đưa Maxis lên đến đỉnh cao danh vọng nhưng cũng lại là gã đao phủ tàn nhẫn, kết thúc số phận của nhà phát triển tài năng này.

Tuy nhiên sự ra đi của Maxis không phải là dấu chấm hết cho những series huyền thoại trên. Theo những thông tin nội bộ của EA thì rất nhiều thành viên của Maxis sẽ được thuyên chuyển đến các Sudio khác trực thuộc The Sims Studio như Redwood Shores, Melbourne. Chúng ta vẫn có quyền hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn đang chờ đón series này trong tương lai không xa.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)