Tin tức - pháp luật 2013-03-07 08:03:37

Tượng Phật với tạo hình quá sắc dục không phạm sắc giới


  Nếu coi đây là bức tượng mô tả Phật đang quan hệ tình dục với một người  nữ thì hoàn toàn không đúng. Cái không đúng này bắt nguồn từ việc chúng  ta đang nhìn bức tượng rồi áp đặt cho nó cách suy nghĩ hiện đại.

Một tượng Phật bị “ném đá” trên mạng  vì tạo hình được cho là quá sắc dục. Tuy nhiên, theo giới nghiên cứu,  tượng không những không phạm sắc giới mà còn vô giá nếu quả thực là  tượng cổ VN.

Một người nữ khỏa thân ngồi  trong lòng, choàng tay ôm lấy vị Phật. Ngay lập tức bức tượng này khiến  nhiều người cảm thấy đạo Phật bị xúc phạm. Theo tờ Bangkok Post, tấm ảnh  lấy từ Facebook cá nhân này được cho là chụp tại VN đã khiến phật tử  Thái Lan vô cùng giận dữ. Không chỉ có thế, nhiều cư dân mạng VN cũng  chia sẻ nỗi bất bình vì hình ảnh này.

 Mặc dù  vậy, phản ứng của TS Nguyễn Minh Ngọc, người nghiên cứu Phật giáo tại  Viện Tôn giáo - Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, lại khác hẳn. "Đây là  một bức tượng Mật tông", TS Ngọc nói. Bà Ngọc không "nói chơi" mà minh  chứng điều đó bằng cuốn sách Đồ giải Tây Tạng Mật tông, của Nhà xuất bản  Đại học Sư phạm Thiểm Tây. Đây là cuốn sách bà Ngọc mua tại Hồng Kông,  nơi những cuốn sách có hình ảnh tương tự như bức tượng "sexy" trên không  khó kiếm.

 

 Hình bức tượng bị cư dân mạng cư xử bất công - Ảnh: Trinh Nguyễn chụp lại từ tư liệu



Ý nghĩa triết học

"Nếu  coi đây là bức tượng mô tả Phật đang quan hệ tình dục với một người nữ  thì hoàn toàn không đúng. Cái không đúng này bắt nguồn từ việc chúng ta  đang nhìn bức tượng rồi áp đặt cho nó cách suy nghĩ hiện đại. Trong khi  nguồn gốc văn hóa của nó - vốn là triết học phương Đông lại rất khác",  bà Ngọc nói.

Theo bà, gốc văn hóa của tượng  chính là quan điểm triết học trong âm có dương, trong dương có âm. Trong  từng con người cũng chứa đủ cả âm lẫn dương. Bức tượng "lạ" cũng nói  lên triết lý âm dương như vậy. Do đó, nó không hề bậy bạ như nhiều người  suy nghĩ.

 Trong cuốn Đồ giải Tây Tạng Mật  tông nói trên có rất nhiều hình vẽ các tượng Phật tương tự bức tượng đã  làm nhiều phật tử Thái Lan lẫn VN bức xúc. Bức Phổ hiền phật mẫu (tượng  âm khởi, có tượng chính là nữ) mang ý nghĩa Trí tuệ.

Bức  Phổ hiền phật phụ (tượng dương khởi, có tượng chính là nam) mang ý  nghĩa Từ bi. "Rõ ràng, biểu đạt của nó không phải quan hệ nam nữ như  nhiều người nhìn nhận. Nếu suy luận từ hai bức này, bức tượng bị ném đá  sẽ có nghĩa là Từ bi", bà Ngọc nói.

 "Nếu  quả thực đây là một bức tượng cổ của VN thì nó sẽ là một phát hiện lớn  đối với khảo cổ học, mỹ thuật và tôn giáo. Nó viết thêm vào những trang  sử Mật tông hiện còn đang trắng tư liệu, đang còn phải tìm kiếm của nước  ta" TS Nguyễn Minh Ngọc

Bà Ngọc còn cho  biết, quan hệ tình dục như hiện nay chúng ta hiểu chỉ là một phần trong  triết học phương Đông cổ là sự hòa hợp âm dương. Khi hợp nhất âm dương  chúng ta đạt đến tình trạng sáng suốt, sức khỏe, minh mẫn. Chính vì thế,  triết học phương Đông có thể coi là khởi nguồn của nghệ thuật tính dục.  Những cuốn sách về tình dục hiện đại tại Mỹ giờ đây cũng quay trở về  với những nguyên lý triết học phương Đông này.

Lấp khoảng trống lịch sử Mật tông

 Việc  không được mắt thấy tay sờ, lại chỉ được nhìn từ một góckhiến các nhà  khoa học rất khó đưa ra nhận định kỹ lưỡng về tượng. Màu sắc của ảnh  chụp (trên mạng) cho thấy đây nhiều khả năng là tượng sơn son thếp vàng.  Nếu đúng vậy, nhiều khả năng đây là tượng VN. Tuy nhiên ngay cả màu sắc  tượng cũng phụ thuộc nhiều vào người chụp, sửa ảnh.

"Nếu  được tiếp xúc, chúng ta mới có thể so sánh với các tượng Phật khác, để  tìm ra thời kỳ qua các yếu tố như chất liệu, cách thức tiếu tượng (tạc  tượng). Nếu nó ở trong chùa, có thể nghiên cứu tương quan vị trí đặt  tượng", TS Ngọc nói. Tuy nhiên, nhìn vào bức ảnh, với hậu cảnh của  tượng, nhiều khả năng tượng không còn ở trong chùa mà đang thuộc một bộ  sưu tập.

 "Tôi từng thấy một số bức tượng  tương tự trong một triển lãm của nhà sưu tập Dương Phú Hiến, từng được  trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật VN. Tượng có kích cỡ rất nhỏ. Theo tôi  đó không phải tượng VN", nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Trung, Viện Mỹ  thuật nói. Cũng theo ông Trung, hiện có người mua loại tượng này về bộ  sưu tập và coi như một tác phẩm nghệ thuật, không phải như đồ thờ tự.

 Về việc sưu tập loại tượng này, PV điện thoại liên hệ song nhà sưu tập Dương Phú Hiến cho biết hiện đang đi công tác và sẽ có cuộc gặp sau khi trở về.

 "Những  tượng như thế này có thể thấy nhiều ở một số nước có Phật giáo Mật  tông, chẳng hạn như Nepal. Gần đây cũng nhiều người ra nước ngoài rồi  mang tượng Mật tông về. Có thể đây là một trong những bức tượng được  mang về như thế. Tôi chưa từng nhìn thấy một bức tượng thế này của VN",  PGS-TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Tôn giáo, cho biết.

 Trong  trường hợp như nhiều người nói ở trên: được mang từ nước ngoài về,  tượng cũng có ý nghĩa. Nó chỉ báo sự thịnh hành của Phật giáo Mật tông  trong giai đoạn hiện nay ở nước ta. "Theo đó, các chùa Mật tông đang nổi  lên, thu hút được nhiều phật tử. Chẳng hạn chúng ta có chùa Quang Ân ở  Hà Nội, chùa Tây Thiên ở Vĩnh Phúc", bà Ngọc nói.

 Tuy  nhiên, nếu đây là một bức tượng cổ của người Việt, điều này lại rất có ý  nghĩa với việc viết lịch sử phát triển Mật tông tại VN. Theo nghiên cứu  của TS Ngọc, Phật giáo VN là sự hòa nhập của ba dòng phái Thiền Tịnh  Mật. Nhưng hiện không xác định được chính xác thời điểm du nhập của Mật  tông vào VN cũng như dòng phái Mật tông nào từng tồn tại ở VN.

 Chứng  cứ lịch sử cho thấy vào thời Lý, Mật tông đã có mặt tại VN. Nó thể hiện  ở các nhân vật có liên quan tới Mật tông, với phép thần thông (một chỉ  báo của Mật tông) như Từ Đạo Hạnh, Minh Không. "Có điều hiện chưa hề tìm  thấy tượng Mật tông tại VN. Chúng ta mới chỉ thấy một vài yếu tố Mật  tông - chẳng hạn các ấn chuẩn đề (thế tay của tượng) để định vị Mật tông  mà thôi", bà Ngọc cho biết.

 Bản thân sử  sách trong nước cũng chưa thấy ghi chép, vẽ về một loại tượng tương tự.  Chính vì thế, nếu quả thực đây là một bức tượng cổ của VN thì nó sẽ là  một phát hiện lớn đối với khảo cổ học, mỹ thuật và tôn giáo. "Nó viết  thêm vào những trang sử Mật tông hiện còn đang trắng tư liệu, đang còn  phải tìm kiếm của nước ta", TS Ngọc nói.

 Về  phản ứng của phật tử Thái Lan trước bức tượng, các nhà nghiên cứu cho  rằng có thể do Thái Lan là đất nước của Phật giáo tiểu thừa, một dòng tu  khác, nên tạo hình này rất dễ gây sốc. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, cũng  phải nói thêm từ TK8-TK12, Phật giáo Mật tông có ảnh hưởng lớn ở Đông  Nam Á.

Phản ứng khác nhau tại Thái Lan

Bangkok  Post dẫn lời một cư dân mạng gọi người đúc tượng là "quỷ dữ", muốn làm ô  uế thanh danh của Đức Phật. Một người sử dụng mạng xã hội Facebook còn  kêu gọi giới chức Thái Lan can thiệp bằng đường ngoại giao để phá hủy  bức tượng.

Tuy nhiên, thực tế thì bức ảnh này chỉ được lan truyền  giữa các công dân mạng ở Thái Lan và chẳng rõ do ai chụp, được đưa lên  internet khi nào. Thậm chí không ai biết nó được chụp ở đâu. Thế nhưng,  tờ Bangkok Post vẫn đăng lại trên trang web của mình hồi cuối tháng  2.2013.

Trong khi đó, có người lại xem bức tượng là bình thường.  Một công dân mạng ở Thái Lan gọi đó là bức tượng nghệ thuật, không có gì  gọi là ô uế, dâm dục. "Các bạn không nên nhìn bức tượng với cái nhìn  trần tục, vật chất", người này viết.

Một số công dân mạng hiểu  biết thì bình luận khá điềm tĩnh. Họ bảo đã từng thấy bức tượng trong tư  thế tương tự, tức Đức Phật ngồi trên đài sen với các cô gái ngồi trong  lòng ở các ngôi đền ở Tây Tạng.

Một công dân mạng ở Thái Lan nói rằng bức tượng nói trên ở Campuchia, chứ không phải ở VN.

Nhiều  người chia sẻ rằng đây là phần của đạo Phật đại thừa của người Tây  Tạng. Người theo đạo Phật ở Tây Tạng và cả ở Ấn Độ, Nepal, Butan thường  tạc tượng theo tư thế Yab - Yum (bố - mẹ) phối ngẫu. Đây là biểu tượng  của tính dục, được các phật tử thờ cả ngàn năm nay.


Theo Thanh niên


 
 
 
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)